Kinh tế

Chưa thực hiện chuyển đổi chợ nếu bà con tiểu thương chưa đồng thuận

Đó là khẳng định của ông Hà Văn Trọng – Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh tại cuộc họp báo trong sáng nay (28/11) về việc bà con tiểu thương chợ Hà Tĩnh bãi thị để phản đối việc Ban Quản lý chợ này thông báo gia hạn 3 tháng sau khi hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh.

Tiểu thương chợ TP. Hà Tĩnh đồng loạt đóng quầy bãi thương

Nhiều câu hỏi được các phóng viên đưa ra tại cuộc họp báo

Trao đổi tại cuộc họp, các cơ quan báo chí có nhiều câu hỏi gửi đến các cấp, ngành liên quan như: Công tác tuyên truyền; lợi ích của người dân sau khi chuyển đổi; Tại sao TP. Hà Tĩnh chưa có phương án chuyển đổi trình Sở Công Thương mà Sở Công Thương lại đồng ý cho gia hạn trong thời gian 3 tháng; Thực trạng chợ Hà Tĩnh hiện nay như thế nào?...

Trả lời ý kiến các cơ quan báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Hà Văn Trọng cũng thừa nhận: Ban Quản lý (BQL) chợ vẫn quản lý chưa có hiệu quả, cơ cấu, quy mô của chợ vẫn còn cồng kềnh. Các vấn đề như phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm và tính thuận tiện trong kinh doanh vẫn chưa thõa mãn nhu cầu phát triển của đô thị hiện nay. Việc chuyển đổi chợ là đúng với chủ trương của Nhà nước. Kế hoạch chuyển đổi chợ sang mô hình doanh nghiệp, HTX nhằm đảm bảo các quyền lợi cho tiểu thương và đảm bảo quy trình an toàn.

Phương án chuyển đổi sẽ không có việc đập phá hay giữ nguyên đình chợ mà sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế, đảm bảo các hộ vẫn có quầy ốt an toàn với mức thu phí hợp lý.

Ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Chưa có sự đồng thuận của người dân sẽ chưa tiến hành chuyển đổi chợ

Chủ tịch UBND thành phố cũng bác bỏ tin đồn thất thiệt về việc chính quyền đã bán lại chợ Hà Tĩnh cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: "Việc chuyển đổi và phương án chuyển đổi chợ phải được sự đồng thuận của người dân. Chưa có sự nhất trí sẽ chưa thực hiện chuyển đổi”.

Sau khi người dân thống nhất, đồng ý, các quyền lợi của tiểu thương sẽ được cam kết đảm bảo. Về thời gian gia hạn, đối với những hợp đồng đã đến hạn sẽ được tiếp tục gia hạn nhưng thời gian không dài, và thời gian gia hạn sẽ tiếp tục được ký kết đến khi phương án chuyển đổi được sự đồng thuận.

Theo quy trình, khi xây dựng được phương án chuyển đổi, thành phố phải công khai, xin ý kiến thống nhất với bà con tiểu thương trước khi hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền. Trong khi chờ chuyển đổi, việc gia hạn hợp đồng với các hộ kinh doanh hết hạn là việc làm cần thiết, nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn.

Ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng BQL chợ Hà Tĩnh thừa nhận có việc ký hợp đồng 10 năm cho 12 hộ kinh doanh vào năm 2015

Một trong những vấn đề được nhiều phóng viên thắc mắc là có hay không việc đã có kế hoạch và lộ trình chuyển đổi chợ, nhưng căn cứ vào đâu BQL chợ tiếp tục ký hợp đồng kinh doanh cho hơn 10 ki ốt tại khu vực đình chợ tầng 2.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Duy hòa – Trưởng BQL chợ Hà Tĩnh thừa nhận có việc ký hợp đồng cho thuê với thời hạn 10 năm cho các ki ốt này. Việc ký hợp đồng này có sự đồng ý của UBND thành phố.

Tuy nhiên, một số câu hỏi như: Tại sao theo quy hoạch, chợ TP. Hà Tĩnh chỉ có 800 quầy, trong khi thực tế đã có hơn 1.000 quầy; căn cứ vào đâu để ký hợp đồng 10 năm cho 12 hộ kinh doanh tầng 2 hay quyền lợi của họ sẽ như thế nào… thì UBND thành phố vẫn còn bỏ ngõ và hứa sẽ trả lời bằng văn bản.

Trước đó, sáng ngày 26/11, trước thông tin phải gia hạn hợp đồng kinh doanh sau khi hết hạn, nhiều tiểu thương tại khu vực chợ TP Hà Tĩnh đã đóng quầy nghỉ bán nhằm phản đối quyết định trên.

Bà Thái Thị Phi – tiểu thương kinh doanh hàng quần áo tại tầng 1 cho biết: Trước đây, các tiểu thương khi vào khu vực chợ mới đều có ký hợp đồng nhưng do không hiểu tường tận và không được giải thích cụ thể nên có sự hiểu nhầm. “Trong hợp đồng có ghi thời hạn 15 năm nhưng chúng tôi nghĩ đây là thời gian để chi trả số tiền mua quầy hàng chứ không phải chỉ được kinh doanh trong 15 năm”, chị Phi phân trần.

“Chúng tôi phần lớn là những người kinh doanh đã lâu năm. Khi đó vào mua 1 quầy trong chợ tương đương với người ta mua được một miếng đất mặt đường. Sau đó lại tiếp tục dốc toàn bộ vốn liếng để mua hàng hóa cứ nghĩ sẽ là của mình giờ thì chỉ được gia hạn thêm 3 tháng. Vậy sau 3 tháng thì như thế nào? Chúng tôi cần có câu trả lời cụ thể để ổn định tinh thần và tiếp tục buôn bán”, một tiểu thương khác cho biết thêm.

Tác giả bài viết: Phượng Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP