Không để vi phạm rồi mới xử lý
Ngày 14/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh: “Chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu chính quyền, cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đặt lợi ích chung, lợi ích của Nhân dân lên trên để xử lý công việc khách quan hơn, chống lợi ích nhóm”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thanh Thảo |
Theo đó, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; công khai, minh bạch tất cả cơ chế, chính sách, tạo sự công bằng khách quan trong tiếp cận thông tin của người dân.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết thêm, thời gian qua, công tác cán bộ của Đà Nẵng được thực hiện với quy trình 5 bước rất khách quan để lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, giúp giảm tham nhũng trong công tác cán bộ.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh lưu ý: “Cần tập trung triển khai đầy đủ, hiệu quả quy định của Trung ương, đặt vấn đề phòng ngừa là chính, không để vi phạm rồi mới xử lý! Đồng thời, khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm thì chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia xử lý”.
Bên cạnh đó, ông Lê Trung Chinh cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được tăng cường. Trong đó, đề cao vai trò của hậu thanh tra, kiểm tra; tái thanh tra, kiểm tra. Qua đó, phát huy vai trò giám sát của HĐND, tổ chức Mặt trận, các tổ chức đoàn thể.
Trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ thanh tra để nâng cao năng lực, hỗ trợ TP trong công tác thanh tra, kiểm tra, tham mưu, phát huy vai trò của lực lượng này trong công tác phòng chống tham nhũng.
Cần tập trung phòng chống tham nhũng
Đại tá Trần Mưu – Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, tội phạm tham nhũng đã gây mất lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, cần tập trung vào công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy là chính. Các trường hợp vi phạm sẽ được căn cứ theo luật để xử lý.
Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đề xuất cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để kịp thời chấn chỉnh, phát hiện các hành vi vi phạm. Trong quá trình kiểm tra nên mời Công an TP Đà Nẵng cùng đi để xác định lỗi vi phạm, tiến hành điều tra kết luận, giúp rút ngắn hồ sơ xử lý các vụ việc nếu có.
Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Thanh Thảo |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 10 năm (2010-2020), các cơ quan, đơn vị đã thực hiện 311 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng tại 541 cơ quan, đơn vị. Qua công tác thanh tra đã phát hiện và chuyển cơ quan điều tra các cấp 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Trong đó, đã khởi tố 6 vụ, không khởi tố 3 vụ. Kết quả xử lý hành vi tham nhũng với 2 vụ/5 người.
Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử giai đoạn 2010-2020, tổng số vụ án, bị can thụ lý, điều tra về tội phạm tham nhũng, chức vụ là 16 vụ/41 bị can. Kết quả, chuyển Viện KSND đề nghị truy tố 13 vụ/83 bị can; tạm đình chỉ 3 vụ/2 bị can và đình chỉ điều tra 1 bị can.
Trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Đà Nẵng đã thu hồi 19.768,8 triệu đồng. Trong đó, thu từ phát hiện qua hoạt động thanh tra là 1.463,8 triệu đồng; thu từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là 18.305 triệu đồng.
Tác giả: QUANG HẢI
Nguồn tin: kinhtedothi.vn