Sáng 7/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định cho phép UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh được trực tiếp chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã trong những trường hợp cần thiết.
Dự thảo Luật sửa đổi lần này có 54 điều, trong đó có 42 điều được sửa đổi, bổ sung so với Luật hiện hành. Việc sửa đổi nhằm phù hợp với định hướng tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã, không còn cấp huyện.
Theo đó, các đơn vị hành chính được tổ chức lại thành tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu – áp dụng tại hải đảo). Các đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt tiếp tục do Quốc hội quyết định thành lập như hiện nay.
![]() |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà. |
Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh thẩm quyền phân loại đơn vị hành chính. Cụ thể, thẩm quyền này sẽ do Chính phủ quy định thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện hành, phù hợp với thực tế phân cấp: Thủ tướng quyết định phân loại cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phân loại cấp xã.
Trong dự thảo, chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để đảm bảo bộ máy hành chính hoạt động thông suốt. Ở cấp tỉnh, ngoài việc giữ ổn định mô hình tổ chức, số lượng đại biểu HĐND sẽ được điều chỉnh để phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Ở cấp xã, UBND được tổ chức lại các cơ quan chuyên môn và chức danh công chức phù hợp với quy mô và chức năng mới của đơn vị hành chính cơ sở.
Một điểm nhấn trong dự thảo là việc phân quyền, phân cấp sâu hơn cho cấp tỉnh và xã. Cấp tỉnh được bổ sung nhiều quyền hạn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, đầu tư, quy hoạch… Trong khi đó, cấp xã sẽ đảm nhận phần lớn chức năng của cấp huyện hiện nay và được ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thẩm quyền.
Theo đề xuất của Chính phủ tại Điều 11 của dự thảo, trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể trực tiếp chỉ đạo, điều hành công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc và cả UBND, Chủ tịch UBND cấp xã. Mục tiêu là bảo đảm tính kịp thời, thông suốt và hiệu quả trong xử lý các vấn đề phát sinh tại địa phương.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành với quy định này, đặc biệt trong bối cảnh bỏ cấp huyện – nơi từng giữ vai trò trung gian giữa tỉnh và xã. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng, khi các nhiệm vụ của cấp huyện chuyển xuống cấp xã, khối lượng và yêu cầu công việc tăng lên đáng kể, trong khi năng lực tổ chức bộ máy cấp xã còn chưa đồng đều. Việc cho phép Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo sẽ giúp xử lý hiệu quả các tình huống vượt quá khả năng giải quyết của cấp xã.
Ủy ban cũng lưu ý, cần có cơ chế bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức và người dân sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, đặc biệt là tại các xã đảo không thuộc khu vực đặc khu.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, cấp tỉnh sẽ tập trung vào hoạch định chính sách vĩ mô, điều phối phát triển liên vùng, liên xã, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã. Ngược lại, cấp xã sẽ là cấp trực tiếp triển khai chính sách, cung cấp dịch vụ công thiết yếu và giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư.
Hiện cả nước có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 696 quận, huyện. Theo phương án sắp xếp, số lượng cấp tỉnh sau sáp nhập dự kiến giảm còn 34 (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), còn cấp xã giảm từ 10.035 đơn vị xuống hơn 3.320, tương đương giảm khoảng 66,9%.
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 14/5 và dự kiến thông qua trong kỳ họp thứ hai vào tháng 6 tới.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: vietnamfinance.vn