Trong nước

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xem lại đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xem lại đề xuất bởi chưa có đánh giá tác động. Bà cũng băn khoăn vì “đã không tăng giờ làm thêm còn xin tăng ngày nghỉ”.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa nêu đề xuất tăng thêm ít nhất 3 ngày nghỉ mỗi năm với hai phương án được đưa ra. Một là nghỉ lễ Quốc khánh 4 ngày, từ 2/9 đến 5/9; hai là nghỉ 1 ngày vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 2 ngày nghỉ Tết Dương lịch.

Tác động xã hội lớn, không thể quyết vội vàng

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 20/9, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói đề xuất này trong quá trình soạn thảo không có, giờ chưa đánh giá lại xuất hiện văn bản đề nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ nên cần xem lại cách làm.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Ảnh: Hoàng Hải.

“Việc này có tác động xã hội rất lớn, nếu quyết ngay thì vội vàng, không chín chắn, còn không quyết định thì dư luận xã hội lại suy nghĩ”, bà Phóng nói và một lần nữa đề nghị xem lại cách làm.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu giải thích trong phiên họp vừa qua, Tổng Liên đoàn kiến nghị tăng thêm số ngày nghỉ và nếu được thì gắn vào dịp như khai giảng, Quốc khánh. Việc này xuất phát từ thực tế chúng ta là một trong những nước có số ngày nghỉ thấp nhất thế giới.

"Hiện Trung Quốc nghỉ Quốc khánh 1 tuần. Việt Nam có thể tham khảo cho nghỉ Quốc khánh từ 2/9 đến 5/9 để ngày đó các gia đình trẻ, công nhân được đưa con đến trường. Trên thực tế, cả năm học nhiều công nhân không được đưa con đi học ngày nào", ông Hiểu nói.

Với tư cách là thành viên ban soạn thảo, ông cho biết đã đề nghị từ lâu nhưng rất tiếc trong dự thảo luật không có.

Về việc đề xuất tăng thêm ngày nghỉ nhưng chưa có đánh giá tác động, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu xem lại. Bà băn khoăn bởi "đã không cho tăng giờ làm thêm còn xin tăng ngày nghỉ", đồng thời lưu ý những quy định đã "êm" rồi thì không nên động tới nữa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Hoàng Hải.

Tạo áp lực cho DN cạnh tranh bằng công nghệ

Nói về đề xuất giảm giờ làm từ 48 xuống 44 giờ/tuần, ông Hiểu nhấn mạnh đây không phải mong muốn chủ quan của Tổng Liên đoàn mà được đưa ra trên cơ sở lắng nghe ý kiến người lao động và cũng có sự chia sẻ với người sử dụng lao động.

"Thời gian làm việc danh nghĩa của chúng ta ở mức khá, nhưng thời gian làm việc thực tế thuộc nhóm cao nhất thế giới, do chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề thanh tra, kiểm tra", ông Hiểu phản ánh thực tế.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Hoàng Hải.

Theo ông Hiểu, chúng ta từ một nước thu nhập thấp đã trở thành nước thu nhập trung bình nên có lẽ cần tính đến việc giảm giờ làm để đảm bảo công bằng giữa người lao động trong và ngoài Nhà nước.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động dẫn nghiên cứu cho thấy càng làm việc kéo dài, nguy cơ tai nạn lao động càng tăng lên và năng suất lao động thấp đi. Kèm theo đó là rất nhiều hệ lụy như sức khỏe người lao động giảm sút, người lao động không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, nhiều phụ nữ không có điều kiện đi tìm bạn đời, con cái phải gửi ở quê, con mắc bệnh tự kỷ, suy dinh dưỡng…

"Nhiều người lao động bày tỏ tâm tư với chúng tôi là làm việc hết ngày thứ 7 gần như đi làm về chỉ đi ngủ lấy sức để tuần tới lại làm việc tiếp, không có một thời gian nào cho con cái", ông Hiểu chia sẻ.

Tiếp cận vấn đề ở phía doanh nghiệp sử dụng lao động, ông Hiểu cho rằng chúng ta phải tạo áp lực cho doanh nghiệp, rằng muốn cạnh tranh được phải bằng công nghệ và năng lực quản trị chứ không phải chỉ chủ yếu là đổ gánh nặng lên vai người lao động. Đó cũng là mục tiêu để phát triển bền vững và lâu dài.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP