Trong nước

Chủ tịch Quốc hội muốn tiếng nói nữ nghị sĩ thành diễn đàn chính thức của APPF

Phát biểu khai mạc phiên họp nữ nghị sĩ trong khuôn khổ hội nghị APPF26 sáng 18/1, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân kỳ vọng tạo diễn đàn để các nữ nghị sĩ phát huy vai trò, tiếng nói, đưa cơ chế chưa chính thức này trở thành cơ chế định kỳ của diễn đàn nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương.

Phiên khai mạc hội nghị nữ nghị sĩ diễn ra sáng 18/1 tại Hà Nội.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề cập, bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như nhiều nước hướng đến. Đó được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Dù diễn đàn APPF đã được hình thành từ 1993 nhưng hơn 20 năm sau (đến 2016), các nữ nghị sĩ Châu Á – Thái Bình Dương mới nhóm họp lần đầu tiên, tại APPF24.

Lần này, Quốc hội Việt Nam với tư cách nước chủ nhà đã lựa chọn chủ đề của hội nghị nữ nghị sĩ là “thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung” nhằm tạo diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận việc hiện thực hoá các cam kết quốc tế đồng thời đưa hội nghị nữ nghị sĩ – một cơ chế chưa chính thức, trở thành cơ chế định kỳ của APPF.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam kỳ vọng hội nghị nữ nghị sĩ lần này sẽ đóng góp tích cực vào các nghị quyết, tuyên bố chung của diễn đàn APPF, bảo đảm các văn kiện được thông qua đều được xem xét qua lăng kính giới và sẽ lan toả tại các diễn đàn nghị viện khác.

Báo cáo đề dẫn do Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai trình bày cũng nhắc lại, tại APPF lần này, các nữ nghị sĩ cùng nhau trao đổi về chủ đề “thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triền bền vững và thịnh vượng chung”. Đây là chủ đề tiếp nối mong muốn tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc ra quyết định cho sự phát triển bền vững tại APPF năm ngoái, để khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của nghị viện các nước thành viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với việc xây dựng không gian hoà bình, ổn định cho sự phát triển thịnh vượng, bền vững.

Bà Mai nhắc lại chương trình hành động đầy tham vọng đề ra từ năm 2015 của các nữ nghị sĩ mang tên “chuyển đổi thế giới của chúng ta”, đặt ra các mục tiêu vừa giải quyết những mục tiêu thiên niên kỷ chưa hoàn thành, giải quyết những nguyên nhân sâu xa của đói nghèo, bất bình đẳng và bảo đảm mọi người đều được hưởng thành quả từ sự phát triển. Theo đó, chương trình nghị sự đến 2030 đã đề ra 17 mục tiêu với 169 chỉ tiêu cụ thể với 5 nội dung về bình đẳng giới. Sự tập trung mạnh mẽ vào vấn đề giới, theo bà Mai, là sự thừa nhận rằng, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là chìa khoá để thực hiện mỗi mục tiêu và toàn bộ các mục tiêu đề ra.

Chủ đề tư tưởng này cũng nhận được sự ủng hộ của các nước tham gia tại APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua. Các nhà lãnh đạo APEC ghi nhận việc phụ nữ tham gia rộng rãi vào nền kinh tế sẽ kích thích tăng trưởng, khuyến khích các nền kinh tế và khu vực tư nhận thực hiện các sáng kiến thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong kinh tế, cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với vốn, tài sản, thị trường, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các ngành có tăng trưởng cao, mức lương cao…

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị nữ nghị sĩ APPF.

Dù vậy, thách thức với các mục tiêu đặt ra, theo Trưởng Ban vận, vẫn còn rất lớn khi tình trạng phân biệt đối xử ở nhiều nước thậm chí tồn tại trong cả xã hội và cả những quy phạm pháp luật, bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái vẫn là vấn nạn…

“Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả, nghị viện cần giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế” – nữ nghị sĩ Việt Nam đề cập việc thay đổi sâu rộng về pháp lý bảo đảm quyền của phụ nữ từ cơ quan lập pháp, để phụ nữ tham gia quyết định ngân sách, giám sát việc thực hiện các chính sách có liên quan đến bình đẳng giới, nhạy cảm giới.

Đại diện cho nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh khẳng định, chủ động tiếp cận với các vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới đã được phản ánh một cách nhất quán tại Quốc hội Việt Nam. Theo đó, bình đẳng giới được coi không chỉ là công bằng xã hội mà còn là một phương tiện hiệu quả để thu hút triệt để tiềm năng của phụ nữ cho sự phát triển toàn diện của xã hội.

Các nữ nghị sĩ, theo đó, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới vì bản chất của công việc và sự thấu cảm với phụ nữ. Bà Thuý Anh cho biết, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam tin tưởng rằng bình đẳng giới chỉ có thể đạt được khi đưa ra 3 trụ cột: nâng cao nhận thức chung về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề này trong việc xây dựng pháp luật, trong các chương trình kinh tế - xã hội cụ thể và hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực này.

Nỗ lực hành động theo chủ trương đó, Việt Nam đã được xếp hạng thứ 71 trong số 159 quốc gia về bình đẳng giới của Liên hiệp quốc năm 2015.

Dẫn lời cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Anan “bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu, nó còn là điều kiện kiên quyết để đáp ứng thách thức giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng hệ thống quản trị tốt”, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội khuyến nghị, cần tăng cường tham vấn phụ nữ để đảm bảo tiếng nói của tất cả các chị em được lắng nghe, để đảm bảo khôn người nữ nào bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển bền vững và thịnh vượng bao trùm.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP