Tin địa phương

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng Cảng Liên Chiểu thành cảng xanh, hạ tầng hiện đại

Ngày 14/12, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung nằm tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), có tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021- 2025 hơn 2.994 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP Đà Nẵng.

Ông Lê Thành Hưng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực Miền Trung được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Trong đó, Liên Chiểu là khu bến chính đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000D WT và lớn hơn, quy mô gồm các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan.

Các đại biểu ấn nút khởi công dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Chủ tịch nước yêu cầu thực hiện Cảng Liên Chiểu gương mẫu, không tham nhũng, không thất thoát.


Cảng Liên Chiểu có tổng diện tích 450 ha, gồm phần hạ tầng dùng chung (đê chắn sóng; luồng tàu vào cảng,...) và các khu bến container, khu bến tổng hợp, khu bến thủy nội địa và khu bến dầu với 6 bến bố trí phía trong đê chắn sóng. Trong đó, dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung, có tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỉ đồng.

Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng kè và đê chắn sóng; luồng tàu và khu nước; đường giao thông kết nối đến cổng cảng với quy mô 6 làn xe, bề rộng 30 m và hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động. Sau khi hoàn thành, dự án có khả năng đáp ứng các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 Teus.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, việc khai thác hàng hóa qua cảng Tiên Sa ảnh hưởng đến giao thông vận tải đường bộ khi vận chuyển qua trung tâm gây nên tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao tông; ảnh hưởng đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, môi trường phát triển du lịch.

Khu vực xây cảng Liên Chiểu nằm ở mép biển nước sâu, cửa sông Cu Đê và dưới chân núi Hải Vân, chỉ cách quốc lộ 1 khoảng hơn 1 km

Đà Nẵng chính thức khởi công dự án bến cảng Liên Chiểu, mở cửa ngõ kết nối quốc tế tại miền Trung.


Việc đầu tư phát triển Cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của Đà Nẵng.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cảng Liên Chiểu sẽ đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực.

Chủ tịch nước nhận định, với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu Đông Nam Á.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng lãnh đạo nhiều bộ, ngành khảo sát khu vực xây dựng Cảng Liên Chiểu.

Đặc biệt, khu vực cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố. Đây sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung.

"Việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Nhận thức này cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung", Chủ tịch nước nói và yêu cầu chính quyền, nhà đầu tư dự án phải thực hiện công trình gương mẫu, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025. Đồng thời, dự án phải được ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình "cảng xanh" theo xu hướng của thế giới.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, cảng Liên Chiểu là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan 4.324 hộ dân nên cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống.

"Phải đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển. Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới. Cạnh đó, Cảng Đà Nẵng có tên tuổi toàn cầu, vậy cảng Liên Chiểu có đặt tên là Cảng Đà Nẵng hay không, việc này thành phố cần xem xét nghiên cứu", Chủ tịch nước cho biết.

Tác giả: Quang Huy

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP