Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 chiều tối 19/8, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương cần thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn các biện pháp phòng chống dịch, đến khuya thứ 7 (ngày 21/8) phải có kết quả báo cáo.
Đánh giá về công tác khống chế dịch những ngày qua, Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng, khi nào F0 còn không kiểm soát được thì chưa kiểm soát được dịch.
“Chỉ cần F0 ở khu vực tập trung, 1 giờ đi siêu thị, đi chợ thì coi như điều tra không có ý nghĩa gì. Khi còn 1 F0 trong cộng đồng thì chưa kiểm soát được dịch bệnh”, ông Chinh nói.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu trong những ngày tới, Sở Y tế căn cứ kết quả có báo cáo cụ thể để có đề xuất cho thời gian tới.
“Tinh thần thì chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, còn mức độ thế nào hoàn toàn chưa thể nói đến việc quay lại trạng thái bình thường hay theo Chỉ thị 15 này kia. Điều này là chưa thể được”, ông Chinh nhấn mạnh.
Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để rà soát, bóc F0 ra khỏi cộng đồng. |
Liên quan các khu phong tỏa, ông Chinh nhìn nhận hiện điểm nóng vẫn là quận Sơn Trà dù thành phố đã có biện pháp mạnh mẽ nhưng vẫn còn lây nhiễm nhiều. Theo ông Chinh, dù thành phố đã giăng dây, chặn hết đường nhưng vẫn còn lây nhiễm nên phải đánh giá hết các vấn đề.
“Mặc dù đã chặn hết các con đường nhưng vẫn bị, không phải 1 - 2 ngày mà đã 18 ngày rồi. Hiện nay một số người rất chủ quan, nhất là những người có kết quả âm tính, coi như không bị bệnh nên vô tư gặp gỡ nhau, nhất là trong hẻm kiệt. Đề nghị các địa phương tăng cường xử lý những trường hợp này”, ông Chinh nói và cho biết thêm, hiện vẫn còn một số người trốn tránh việc lấy mẫu xét nghiệm nên cần phải rà soát kỹ, xử lý nghiêm.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế chủ trì việc phân tích kỹ số liệu từ ngày 31/7 đến nay, nhất là số liệu xét nghiệm toàn dân lần 1 để đánh giá đúng các khu vực dân cư có nguy cơ cao, hướng tới thu hẹp và khoanh vùng phong tỏa, cách ly y tế đúng phạm vi.
Theo ông Quảng, trên cơ sở phân tích xét nghiệm lần 1, ngành y tế phải phân tích, đánh giá và có biện pháp cụ thể. Ngành y tế chuẩn bị nội dung báo cáo lấy mẫu lần 2 làm cơ sở đánh giá sau 7 ngày phong tỏa.
“Báo cáo này phải đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc vì nó có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định thời điểm đưa ra các quyết định sau 8h ngày 23/8 (tức hết thời hạn phong tỏa 7 ngày). Nếu Sở Y tế không tham mưu được thì Ban Chỉ đạo và Ban Thường vụ sẽ không quyết định được 7 ngày tiếp theo sau 8h ngày 23/8. Việc này rất quan trọng”, ông Quảng nhấn mạnh.
Bí thư Đà Nẵng yêu cầu các ban điều hành cơ sở tập trung đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong những ngày tới vì nhu cầu của người dân sẽ rất cao. Các phương án, cách thức phải đáp ứng cho người dân, tránh việc nhu cầu cao mà không đáp ứng được lại gây ra các bức xúc cho người dân, gây ra các việc phản cảm.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đà Nẵng, ngày 19/8, thành phố ghi nhận số ca dương tính SARS-CoV-2 cao nhất từ đợt bùng phát dịch ngày 10/7 đến nay với 169 người, có 43 ca cộng đồng, 27 ca chưa rõ nguồn lây. Tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.297 ca mắc COVID-19.
Tác giả: XUÂN TIẾN
Nguồn tin: Báo VTC News