Kinh tế

Chủ thương hiệu Vodka Hà Nội trượt dài trong thua lỗ

Halico đặt mục tiêu lỗ sau thuế hơn 100 tỷ đồng trong hai năm vì cho rằng người Việt ngày càng chuộng bia rượu nhập khẩu.

Nhận định mức độ cạnh tranh trong thị trường đồ uống có cồn ngày càng khắc nghiệt, Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico, mã chứng khoán: HNR) ngay từ đầu năm đã đề ra kế hoạch lỗ sau thuế 58 tỷ đồng và nối dài mạch thua lỗ năm thứ ba liên tiếp. Kết quả kinh doanh chín tháng cải thiện so với cùng kỳ giúp công ty “hoàn thành” 95% mục tiêu này.

Tổng nguồn vốn của doanh nghiệp đầu ngành rượu khu vực miền Bắc tính đến cuối quý III năm nay đạt 528 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm. Một trong những nguyên nhân chính là luỹ kế lỗ sau thuế chưa phân phối vẫn không ngừng tăng, hiện lên đến 310 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng, hoạt động kinh doanh trong hai năm tới cũng không quá khả quan so với trước đây bởi thị hiếu tiêu dùng của người Việt tiếp tục dịch chuyển dần sang các sản phẩm bia và rượu nhập ngoại.

Về chủ quan, hệ thống phân phối của công ty rộng khắp cả nước nhưng hương vị sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng trẻ nên sản lượng tiêu thụ èo uột. Bên cạnh đó, Tập đoàn Diageo – cổ đông lớn của Halico, đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Johnnie Walker, Bailey... cũng không đàm phán được hợp đồng cung cấp với các đối tác nước ngoài nên công ty mất nguồn thu từ sản xuất và gia công rượu.

“Halico có thể lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2020 và chấm dứt mạch thua lỗ khi tăng cường hoạt động tiếp thị”, ban lãnh đạo công ty tỏ ra thận trọng khi dự báo về tương lai dài hạn.

Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội, được thành lập năm 1898 tại số 94 Lò Đúc. Đây là nhà máy sản xuất rượu lớn nhất trong năm do Công ty Fontaine của Pháp xây dựng ở Đông Dương. Nhà máy này được chuyển thành Công ty TNHH MTV Rượu Hà Nội từ năm 2004 và cổ phần hoá sau đó không lâu với vốn điều lệ ban đầu gần 50 tỷ đồng.

Bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử gần 120 năm của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Nếp mới, Vodka Hà Nội... là ký hợp đồng đối tác chiến lược với Diageo vào năm 2011. Tập đoàn này thông qua một công ty con chi gần 2.000 tỷ đồng để nắm giữ 30% vốn cổ phần và nâng lên 45,57% như hiện tại. Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và một số cổ đông cá nhân.

Sự hiện diện của hai “ông lớn” trong danh sách cổ đông được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới, giúp công ty cải thiện năng lực quản trị và mở rộng hệ thống phân phối. Điều này phần nào được hiện thực hoá khi sản phẩm của Halico thâm nhập ngày càng nhiều thị trường nước ngoài như Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, hiệu quả thể hiện trên báo cáo tài chính lại hoàn toàn tỷ lệ nghịch. Đơn cử như doanh thu thuần năm ngoái giảm hơn phân nửa so với 2016, chỉ còn 125 tỷ và hết chín tháng đầu năm nay cũng mới xấp xỉ 100 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ sau thuế lại tiếp tục tăng hơn bốn lần từ 20 tỷ lên 84 tỷ đồng.

Tác giả: Thiên Ngân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP