Năm 1998, đội tuyển Việt Nam của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Việt Hoàng, Công Minh, Hữu Đang… đánh bại đội tuyển Thái Lan 3-0 trong trận bán kết AFF Cup.
Năm đó, đội bóng của HLV Alfred Riedl không vô địch Đông Nam Á, nhưng chiến thắng trước Thái Lan vẫn tạo ra cột mốc đáng chú ý đối với bóng đá nội, bởi Thái Lan trước đó vẫn là rào cản sừng sững đối với chúng ta.
Đúng 10 năm sau, thế hệ của những Công Vinh, Như Thành, Quang Thanh, Minh Phương, Tài Em… vô địch AFF Cup 2008, ngôi vô địch bóng đá khu vực đầu tiên và duy nhất tính cho đến thời điểm này của chúng ta.
Rồi 10 năm sau nữa, thế hệ của những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh… vào chung kết giải U23 châu Á, vào bán kết Asiad 2018, đồng thời đứng trước cơ hội vô địch AFF Cup lần thứ 2 trong lịch sử.
Nếu thế hệ hiện tại khép lại năm 2018 bằng ngôi vô địch AFF Cup, thành công đấy không đến từ sự ngẫu nhiên, mà ghi dấu ấn đậm nét của những người dám dấn thân cho ra đời các học viện bóng đá theo xu thế toàn cầu |
Cứ mỗi 10 năm bóng đá Việt Nam lại sản sinh ra một thế hệ cầu thủ xuất sắc hơn hẳn thế hệ liền kề họ, gắn liền với một giai đoạn phát triển cụ thể của bóng đá trong nước.
Thế hệ từng thắng Thái Lan năm 1998 của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Việt Hoàng, Hữu Đang, Sỹ Hùng, Văn Sỹ… là một trong những thế hệ cầu thủ cuối cùng được đào tạo từ những trung tâm bóng đá, trung tâm TDTT kiểu mẫu của nhà nước: Thể Công (Hồng Sơn, Việt Hoàng, Quang Hà, thủ môn Trần Tiến Anh…), SL Nghệ An (Sỹ Hùng), Nam Định (Văn Sỹ)…
Đến năm 2008, thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam đến từ giải chất lượng của giải vô địch quốc gia phát triển mạnh, nhờ xu thế xã hội hoá TDTT, có sự tham gia của nhiều ông bầu có tiềm lực tài chính và tâm huyết với bóng đá.
Sự đóng góp của những ông bầu như bầu Đức, bầu Thắng, cùng sự cạnh tranh nóng bỏng của những HA Gia Lai, Đồng Tâm Long An, B.Bình Dương… trong nhiều năm liền giúp chất lượng và bản lĩnh của cầu thủ nội tăng cao, tạo ra những Tài Em, Minh Phương, Công Vinh, Như Thành, Phước Tứ, Quang Thanh… vừa giỏi vừa bản lĩnh, trước khi họ bước lên bục cao nhất của bóng đá Đông Nam Á.
Thế hệ của năm 2018, thành công tại giải U23 châu Á và Asiad 2018 lại là thế hệ đánh dấu cột mốc khác của bóng đá nội, của những cầu thủ được đào tạo theo dạng “gà nòi”, từ những học viện bóng đá tư nhân, có liên kết với các thương hiệu toàn cầu.
Đó là những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn… từ học viện HA Gia Lai - JMG của bầu Đức, là Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng từ lò PVF, trung vệ Tiến Dũng đến từ lò Viettel, hay nhóm các cầu thủ Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Đình Trọng… xuất thân từ trung tâm bóng đá trẻ của bầu Hiển.
3 thành công đánh chú ý nhất của bóng đá Việt Nam theo chu kỳ 10 năm đánh dấu những bước chuyển mình trong những giai đoạn cụ thể của bóng đá nội.
Xu thế chung của bóng đá thế giới hiện tại là những học viện cho ra đời những cầu thủ được đào tạo bài bản, sớm tiếp cận với sân chơi quốc tế để sớm hoà nhập với môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Chu kỳ thành công sau mỗi 10 năm của bóng đá Việt Nam vì thế không đến từ sự ngẫu nhiên, mà đến từ sự chuyển mình kịp lúc theo xu thế chung, ghi dấu ấn lớn của những người đi tiên phong trong việc cho ra đời các học viện bóng đá trẻ.
Và theo đúng chu kỳ 10 năm/1 thế hệ tài năng đấy, hy vọng rằng bóng đá Việt Nam sẽ thắng lớn tại AFF Cup 2018, để khép lại 1 năm trọn vẹn, sau khi đã có HCB giải U23 châu Á hồi đầu năm, rồi hạng 4 Asiad hồi giữa năm!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí