Kinh tế

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa lũ

Hiện nay, tại các vùng bị ngập lụt, nước cơ bản đã rút. Tuy nhiên, đây cũng là lúc nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi cao nhất nếu bà con nông dân cũng như ngành chăn nuôi - thú y và các địa phương không chủ động các biện pháp phòng dịch.

Nằm ngoài cánh đồng Cồn Chim, trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Hữu Kiên ở xóm Lộc Thành - huyện Yên Thành có gần 6 nghìn con vịt đẻ cùng hàng chục con trâu bò và dê. Đợt mưa lớn vừa qua khiến toàn bộ khuôn viên và một phần chuồng trại bị ngâm trong nước. Giờ đây, tuy nước đã rút bớt nhưng điều làm ông lo nhất đó là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi của gia đình mình. Ông Kiên nói: Vừa rồi, lụt lội ngập hết chuồng trại nhưng gia đình đã chuẩn bị vôi bột để dọn chuồng trại, Gia đình cũng đặt vấn đề với Trạm thú y huyện để xin thuốc phun tiêu độc khử trùng rồi lấy vắc xin để tiêm nhắc lại vì sau lũ thường sinh ra bệnh dịch tả, cúm AH5N1.

Anh Kiên nhanh chóng vệ sinh chuồng trại đảm bảo an toàn cho gần 6 nghìn con vịt đẻ.

Yên Thành là địa phương có số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi lớn của tỉnh, trong đó chủ yếu là chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Toàn huyện có tới hơn 2,8 triệu con gà vịt. Với vị trí địa lý thấp trũng, hay bị ngập nước, những năm trước đây trên địa bàn đã từng xảy ra dịch H5N1 ngay sau mùa mưa lụt làm thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Vì vậy, năm nay, ngay sau khi nước rút, ngành chăn nuôi - thú y đã chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Ông Nguyễn Khắc Minh - Trạm trưởng trạm Chăn nuôi - thú y huyện Yên Thành cho biết: Năm 2013, 2014, sau mưa lũ, trên địa bàn huyện có xảy ra một vài ổ dịch gia cầm của các trang trại, gia trại. Trước tình hình đó, trạm chủ động chỉ đạo xã, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ động phòng chống cúm gia cầm bằng biện pháp tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời tuyên truyền rõ cho người dân hiểu nếu tiêm phòng đầy đủ thì dịch bệnh xảy ra sẽ được sự hỗ trợ của Nhà nước.


Để tránh dịch bệnh cho đàn gia súc, nhiều hộ dân vùng lũ Hưng Nguyên đã chuẩn bị vôi bột để vệ sinh chuồng trại.

Nằm dọc ven sông Lam, 10 xã của huyện Hưng Nguyên gồm: Hưng Lĩnh, Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Xuân, Hưng Lam, Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Nhân, Hưng Châu và Hưng Lợi, người dân thường tận dụng lợi thế chăn nuôi thả bãi. Tuy nhiên, cứ sau mùa lũ lụt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm do rau màu bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm và khí hậu ẩm ướt khiến sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm dễ bị giảm sút.

Vì vậy, bà con thường chủ động đưa đàn vật nuôi về nhốt ngay tại nhà để chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Anh Lê Văn Trúc - xóm 2- xã Hưng Xá- huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Chăn nuôi trang trại ở bên bãi nhưng do mưa lụt nên phải đem đàn gia súc về đây. Quá trình đưa về đây cũng phải xử lý chuồng trại sạch sẽ để đảm bảo an toàn và không ảnh hướng đến môi trường.


Người dân vùng lũ đã chủ động bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, tránh những thiệt hại sau lũ.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thành - Đội 10 - xóm 12 - xã Hưng Long - Hưng Nguyên nuôi trong 10 con bò, cũng chuẩn bị vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc. Ông Thành cho biết thêm: Không phải mỗi gia đình tôi mà tất cả 140 hộ đây đều tuân thủ theo thú y của xã, chính quyền địa phương, đảm bảo cho nguồn thu của gia đình.

Cứ sau mỗi mùa mưa lũ, dịch bệnh trên đàn vật nuôi lại có nguy cơ bùng phát. Việc ngành chăn nuôi - thú y nhanh chóng phối hợp với các địa phương cũng như người chăn nuôi kịp thời triển khai công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại là rất cần thiết. Cùng với đó, nông dân cũng nên chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi định kỳ đầy đủ, bổ sung chất dinh dưỡng như khoáng chất, tinh bột… để tăng sức đề kháng, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho đàn vật nuôi của mình.

Tác giả bài viết: An Duyên – Ngọc Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP