Ngày 6-6, trao đổi với phóng viên sau bài viết "Nâng tốc độ, nâng nguy cơ tai nạn", đại diện Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho rằng Thông tư 91 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép nâng giới hạn tốc độ trên các tuyến đường sau khi áp dụng đã giúp việc lưu thông hàng hóa được nhanh hơn. Tuy nhiên, thông tư cũng bộc lộ nhiều bất cập khiến nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) tăng.
Phải uyển chuyển và cụ thể hơn
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, đánh giá Thông tư 91 đã có nhiều cải tiến trong việc khắc phục những bất cập thời gian trước là nâng tốc độ giới hạn cho một số tuyến đường có điều kiện tốt, có thể cho phép các loại xe chạy tốc độ cao hơn nhưng vẫn bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, thông tư này lại phát sinh một số bất cập như chưa quy định cụ thể về tốc độ của từng loại xe lưu thông trên cao tốc. Đây là vấn đề cần được xem xét bởi các loại xe tải, xe khách thường có khối lượng tải trọng cao nên khoảng cách dừng xe cũng lớn hơn xe con.
Bên cạnh đó, theo ông Minh, việc áp dụng nâng giới hạn tốc độ đồng loạt trên tất cả các tuyến đường theo Thông tư 91 là chưa phù hợp vì cần giới hạn tốc độ cụ thể tại các khu vực có giao thông phức tạp, đồng thời phải hướng dẫn áp dụng cho người tham gia giao thông. Tại TP HCM, việc phải giảm tốc độ ở một số tuyến đường trọng điểm, nhất là ở các khu vực đông dân cư, nhằm giảm TNGT, theo ông Minh đánh giá là rất cần thiết.
Chiếc ôtô tông liên hoàn 6 xe máy trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM) vì tài xế không làm chủ tốc độ. Đây là 1 trong 11 tuyến đường đang được đề xuất giảm tốc độ Ảnh: GIA MINH |
Ông Minh dẫn chứng ở nhiều nước trên thế giới, các khu vực nhạy cảm hoặc phức tạp về giao thông đều có quy định rất ngặt nghèo về tốc độ nhưng thông thường cao nhất là 32 km/giờ. Những khu vực này còn được gắn nhiều biển báo đặc biệt và kẻ sơn trên mặt đường để người chạy xe dễ nhận biết, chủ động kiểm soát tốc độ. Vì vậy, ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, nếu những khu vực cần kiểm soát tốc độ thì cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền cắm biển hạn chế tốc độ. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng vấn đề quan trọng là khi áp dụng việc hạn chế tốc độ thì phải có cách tổ chức giao thông hợp lý, bảo đảm người lái xe được cung cấp đầy đủ thông tin.
"Biển báo thường không đủ mà cần phải sơn kẻ rõ giới hạn tốc độ trên mặt đường, có màu sơn riêng biệt và lặp lại để tài xế dễ nhận biết. Lái xe có thể quên nhìn biển báo nhưng họ luôn nhìn mặt đường, vì vậy sơn kẻ tốc độ giới hạn trên đường là cách được áp dụng phổ biến hiện nay trên thế giới. Rất tiếc, biện pháp này tại Việt Nam lại đang rất hạn chế" - ông Minh đánh giá.
11 cung đường ở TP cần giảm tốc ngay
Theo Công an TP HCM, đơn vị đã có đề xuất tiếp tục điều chỉnh tốc độ theo hướng giảm ở một số khu vực, tuyến đường có tình hình TNGT phức tạp. Cụ thể, tuyến Quốc lộ 1, đoạn từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) tới giáp ranh tỉnh Long An, Công an TP kiến nghị cho giảm tốc độ tối đa từ 60 km/giờ còn 50 km/giờ đối với ôtô khi lưu thông vào đường 2 chiều không có dải phân cách giữa.
Riêng các loại xe khác, khi lưu thông vào làn đường hỗn hợp, tốc độ tối đa là 50 km/giờ. Cũng trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn từ vòng xoay An Lạc tới cầu Đồng Nai, tốc độ cho phép ôtô khi lưu thông vào đường 2 chiều có dải phân cách giữa được đề xuất giảm từ 80 km/giờ còn 60 km/giờ.
Bên cạnh đó, đường Phạm Văn Đồng cũng được đề xuất giảm tốc độ từ đoạn qua vòng xoay Nguyễn Kiệm đến nút giao với đường Linh Đông. Công an TP đề xuất giảm từ 80 km/giờ còn 70 km/giờ đối với ôtô con; còn xe tải hoặc có kết cấu tương tự thì tốc độ tối đa là 60 km/giờ.
Một số tuyến đường khác như Trường Chinh, Quốc lộ 22, Nguyễn Văn Linh - những tuyến có mật độ phương tiện cao, đặc biệt là xe trọng tải lớn - cũng được đề xuất giảm tốc độ từ 10-20 km/giờ so với hiện nay. Riêng các tuyến đường ở khu vực đông dân cư là Kinh Dương Vương, Tỉnh lộ 8, Quang Trung, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Lượng và Nguyễn Kiệm, Công an TP đề xuất điều chỉnh giảm tốc độ thêm 10 km so với hiện nay, tùy loại xe.
Trước những đề xuất trên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban ATGT TP, đánh giá là cần thiết bởi tại những tuyến đường này vốn có tình hình TNGT phức tạp và lại có chiều hướng gia tăng sau khi áp dụng Thông tư 91.
Theo ông Tường, sau khi áp dụng thông tư này, tại TP đã điều chỉnh nâng tốc độ lưu thông trên 12 tuyến đường trọng điểm. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên thực hiện, tức năm 2016 - số người chết do TNGT tại TP tăng 20% so với năm 2015. Vì vậy, TP HCM sau đó đã phải kiến nghị Bộ GTVT cho điều chỉnh giảm tốc độ ở một số khu vực.
Tính mạng là quan trọng nhất! Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, việc điều chỉnh giảm tốc độ chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. "Tuy nhiên, tình hình TNGT tại TP đang có chiều hướng gia tăng và nguyên nhân từ tốc độ là một trong những yếu tố đứng đầu. Do đó, cần phải khảo sát và điều chỉnh lại bởi tính mạng con người phải là ưu tiên số 1" - ông Tường nói. |
Tác giả: GIA MINH - THÀNH ĐỒNG
Nguồn tin: Báo Người lao động