Nếu như thế giới có câu "Behind every great man, there is a great woman" (tạm dịch là đằng sau người đàn ông vĩ đại cũng là người phụ nữ vĩ đại) thì người Việt Nam mình có câu "Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn". Dù là ở đâu chăng nữa thì chúng ta vẫn luôn đề cao sự gắn kết, yêu thương, đồng cam cộng khổ của vợ và chồng. Cho dù có khó khăn đến mấy, chỉ cần vợ chồng đồng tâm hiệp lực thì mọi sự cũng sẽ qua.
Trúc Phạm và chồng (sinh sống ở TP Vinh, Nghệ An) quen nhau cách đây khoảng 7 năm, hai người yêu nhau được khoảng 3 năm, đến giữa năm 2013 thì cưới. Khi đó Trúc vừa mới ra trường đi làm, còn chồng Trúc thì lương nhà nước ba cọc ba đồng, chỉ khoảng hơn 4 triệu/1 tháng. Gia đình 2 bên không có điều kiện, dù biết lấy nhau là khổ nhưng 2 người vẫn quyết định đến với nhau vì tình yêu.
Trúc Phạm và chồng (sinh sống ở TP Vinh, Nghệ An) quen nhau cách đây khoảng 7 năm, hai người yêu nhau được khoảng 3 năm, đến giữa năm 2013 thì cưới. Khi đó Trúc vừa mới ra trường đi làm, còn chồng Trúc thì lương nhà nước ba cọc ba đồng, chỉ khoảng hơn 4 triệu/1 tháng. Gia đình 2 bên không có điều kiện, dù biết lấy nhau là khổ nhưng 2 người vẫn quyết định đến với nhau vì tình yêu.
Trúc Phạm chụp ảnh bên hai đứa con nhỏ xinh.
Chồng Trúc là con cả, trước khi cưới, tiền bạc anh làm ra đều để lo cho gia đình, lo cho các em ăn học. Khi cưới nhau, cả Trúc và chồng không một đồng vốn trong tay, đến tiền cưới của hai người cũng là tiền vay mượn. Trúc bảo: "Vợ chồng em vay mượn khắp nơi để làm đám cưới chị ạ, hồi đó dù phải vay nặng lãi tụi em cũng nhất định phải cưới nhau bằng được. Cuộc sống của tụi em lúc đó đẹp lắm chị, vợ chồng em tuy nghèo nhưng luôn yêu thương nhau nên hạnh phúc lắm."
Cuộc sống của Trúc vẫn màu hồng cho đến khi bà mẹ trẻ sinh năm 1992 này sinh bé đầu tiên vào tháng 4/2014. Sinh con xong Trúc phải nghỉ làm để ở nhà chăm con. Nhà thuê, con nhỏ, chỉ một mình chồng đi làm nên cuộc sống gia đình của Trúc lúc đó đúng nghĩa là thắt chặt chi tiêu, bóp lưng buộc bụng. Trúc kể: "Khi đó tụi em chỉ có mỗi lương của chồng em, không một đồng để dành, con thì nhỏ, em cũng sợ lúc cần lại chẳng có tiền nên bàn với chồng em, mỗi tháng góp tiền phường 1 triệu, lúc cần còn có chỗ rút tiền ra mà lo cho con. Còn hơn 3 triệu vừa lo cả tiền nhà lẫn tiền ăn, tụi em cũng chật vật lắm.
Lúc bé đầu cứng cáp được một chút thì em vừa ở nhà trông con vừa nhận làm báo cáo thuế và báo cáo tài chính cho 3 công ty. Mỗi cái báo cáo cũng được khoảng 1-2 triệu nhưng làm mất thời gian lắm chị ơi, cứ đến cuối tháng là chả đêm nào được ngủ cả. Ngày em trông con, đêm thức làm báo cáo."
Căn bếp nhỏ của gia đình Trúc.
2 vợ chồng Trúc cứ cố gắng như vậy cho đến khi em bé được 15 tháng tuổi. Em bé ngày một lớn, chi phí ngày một nhiều, Trúc quyết định đem con gửi trẻ còn mình thì lao đầu vào kinh doanh buôn bán. Ngày ngày Trúc chạy gần trăm cây số về quê cô ở Yên Thành (Nghệ An) lấy trái cây sạch mang về Vinh bán. "Hồi đó mỗi ngày em lời được ít nhất 200.000 đồng tiền bán trái cây, ngày rằm mùng 1 có khi còn lời đến cả triệu bạc nhưng mệt lắm chị ạ, ngày nào cũng như ngày nào, chạy cả trăm cây số đi lấy hàng chứ có ít đâu. Sao lúc đấy em khỏe thế không biết, cứ nghĩ đến con là làm không biết mệt."
Chồng Trúc là giáo viên, ngày ngày ngoài giờ dạy là ở nhà lo cho con cái và gia đình. "Ngoài giờ đi dạy, chồng em lại chăm sóc đàn gà lấy trứng, lấy thịt cho con ăn và trồng thêm mấy luống rau chị ạ. Có cái khoảng sân bé tẹo vài mét vuông mà sao anh ấy giỏi thế không biết, nuôi được quá trời gà đẻ và gà thịt luôn. Cái thời bán trái cây này em làm cũng được lắm chị, nhưng đi ra từ cái nghèo nên tụi em vẫn chắt chiu lắm, vẫn chỉ chi tiêu trong khoảng lương của chồng em sau khi đã góp tiền phường, còn tiền em buôn bán em góp thêm 1 cái phường 1.5 triệu và gửi tiết kiệm hết số còn lại."
Vườn rau sạch do Trúc và chồng chăm sóc.
Lúc bé đầu nhà Trúc được 20 tháng, cô quyết định cai sữa cho con và chuẩn bị đi làm lại thì cũng là lúc cô phát hiện ra mình bị bể kế hoạch, cô và chồng một lần nữa đón nhận tin vui. Trúc bảo tôi lúc biết tin cô buồn lắm, "Em buồn vì thương con lắm chị ơi. Bỏ thì thương, vương thì tội. Mình vợ chồng em với bé đầu đã cực lắm rồi, sinh thêm đứa nữa, em chẳng biết lấy gì để nuôi con. Nhưng rồi vợ chồng em bảo ban, động viên nhau là cứ sinh xong rồi tính. Kể từ lúc đó, tụi em bắt đầu cày ngày cày đêm kiếm tiền chị ạ.
Chồng em là người chồng tốt, siêng năng, chịu khó, hiền lành. Việc gì chồng em cũng có thể làm được, chỉ cần không phạm pháp là anh ấy sẽ làm, chẳng ngại ngần gì, em cũng vậy. Ban ngày con đi học, chồng em đi dạy, em đi 2 buổi chợ. Ban đêm, chồng em ở nhà lo cho con, em ra chợ đầu mối lấy hàng để sáng sớm hôm sau dậy đi bán. Ngày nào cũng như ngày nào, 11h đêm em mới lấy hàng về đến nhà, khi đó con em đã ngủ, chỉ có chồng em vẫn thức soạn giáo án đợi vợ về. Ngày hôm sau thì cứ 5h em lại bắt đầu buổi chợ, chồng em tự lo cho mình, tự lo cho con, đi dạy về là cơm nước, giặt giũ, 12h trưa em nghỉ giữa buổi chợ về ăn cơm cùng chồng rồi lại đi bán tiếp.
Vợ chồng em cứ cày ngày cày đêm như thế cho đến tận lúc em sinh bé thứ hai. Bầu to vượt mặt em vẫn bươn chải ngoài chợ nên cô bác ngoài chợ ai cũng thương. Lúc đó em còn buôn mía nữa chị, một ngày em bán được khoảng 40-50 cây mía, mỗi cây lời khoảng 5.000-7.000 đồng. Mía em lấy ở chợ đầu mối cách nhà khoảng 10 km. Em lấy mía về, róc vỏ rồi cắt khúc ra cho khách. Lời lãi kha khá nhưng đuối lắm ạ. Đồng tiền tự tay làm ra khó khăn vậy nên tụi em chi tiêu chi li lắm, mua cho con thì mua chứ nào dám mua gì cho bản thân mình."
Vợ chồng cô còn nuôi thêm cả ngan vịt.
Trúc kể lúc cô gần sinh bé thứ hai, hàng tuần hai vợ chồng cô lại về quê mang thực phẩm sạch đem về Vinh bán. Các anh chị ở cơ quan chồng Trúc thương hai vợ chồng chịu khó, ủng hộ nhiều nên cô rất đắt hàng. Cuối tuần cứ thứ 7, Chủ Nhật được nghỉ dạy là chồng Trúc cũng đi buôn cùng vợ. Đến khi Trúc sinh bé thứ hai (8/2014) thì cô ở nhà chăm con chứ không buôn bán ở ngoài chợ nữa mà chuyển qua kinh doanh online.
"Khi em sinh bé thứ hai thì lương của chồng em lên được khoảng 5 triệu rưỡi chị ạ. Tiền thuê trọ, tiền ăn uống, tiền sinh hoạt của cả nhà thì đủ nhưng chẳng đủ theo phường, chẳng đủ tiết kiệm sau này cho con nên em quyết định kinh doanh online. Ban đầu em chỉ bán nhỏ lẻ thôi nhưng chắc em hợp nghề buôn bán, trước đó em cũng bán hàng ở chợ nên nắm bắt được tâm lý người mua, việc kinh doanh ngày một thuận lợi.
Nhưng bán gì thì bán, muốn làm ăn lâu dài thì chữ tín làm đầu chị ạ. Bé đầu nhà em vì em cho con cai sữa quá sớm để mẹ chạy theo cơm áo gạo tiền nên hay ốm vặt lắm. Lúc đó em tìm tòi trên mạng và biết được một sản phẩm thuốc đông y, em dùng cho con thấy hợp, nhạy, hiệu quả tốt mà bé lại không phải uống trực tiếp nên liên hệ để kinh doanh luôn. Lúc em mới làm, em chỉ nghĩ mình làm bằng cái tâm huyết của một người mẹ cũng có con nhỏ, lấy công làm lời thôi, chứ em không nghĩ em sẽ có được thu nhập cao từ đó."
Trục chăm chỉ làm vườn.
Hỏi Trúc mấy năm trời làm ăn tích cóp, vợ chồng cô thu được thành quả gì rồi, Trúc bảo "Thành quả lớn nhất mà vợ chồng em có được chính là 2 đứa con chị ơi. Ngoài ra thì tụi em vừa mới gom hết tiền phường, tiền tiết kiệm các kiểu mua được một mảnh đất 300 triệu ở ngoại thành thành phố. Sang năm tụi em sẽ làm nhà, năm nay gom góp được bao nhiêu thì được, còn đâu lúc đó vợ chồng em sẽ vay mượn thêm rồi lại cày cuốc trả nợ.
Điều tuyệt vời nhất mà gia đình em có được chính là vợ chồng đồng cam cộng khổ. Trong khó khăn mà hai vợ chồng đồng tâm thì vượt qua được hết. Chứ cứ thấy nghèo khó mà suốt ngày chửi bới, chì chiết lẫn nhau thì không làm được gì, chỉ làm khổ nhau hơn thôi. Phải nói là em rất biết ơn chồng em, anh ấy vừa làm bố vừa làm mẹ trong những ngày em bươn chải buôn bán như thế. Giờ thì cuộc sống của vợ chồng em khá hơn nhiều rồi chị ạ. Từ lúc em chuyển qua bán online, thu nhập một tháng cũng được khoảng 15-20 triệu, mà em bán online đến nay cũng được 5 tháng mấy rồi."
Trúc tiếp lời: "Em thấy nhiều cặp vợ chồng trẻ lương cao nhưng lại tiêu không đủ, bởi họ toàn dùng hàng hiệu, ăn nhà hàng nên mới không đủ chị ơi. Nói vợ chồng em tiết kiệm nhưng vì là ăn cơm nhà, tất cả đều ở nhà nên em thấy vẫn đầy đủ và thoải mái lắm. Tiền học của bé lớn nhà em là 1 triệu 1 tháng. Rất may là trường bé lớn nhà em học các cô rất tốt và nhiệt tình, coi con em như con nên em yên tâm gửi bé mà làm việc. Sữa của con em là sữa nội, 1 tháng 2 hộp là khoảng 600.000 đồng. Bé lớn thì ngày ăn 3 bữa ở trường chỉ có tối là ăn ở nhà với bố mẹ. Tính ra thì bỉm, sữa, ăn, học 1 tháng của con em, tất tần tật là vào khoảng 2.2 triệu.
Tiền thuê cái nhà nhỏ nguyên căn khoảng 50m2 của vợ chồng em là 800.000 đồng, thêm tiền điện nước khoảng 200.000 đồng nữa coi như là 1 triệu cho chuyện ở. Phần còn lại (chỉ tính phần lương người chồng - PV) tụi em thoải mái chi tiêu cho chuyện ăn uống và mua đồ lặt vặt rồi. Đấy là chưa kể đến rau sạch, thịt gà, trứng gà nhà em luôn có sẵn vì chồng em đã nuôi, trồng rồi nha chị.
Đám cưới đám xin thì chẳng có mấy cái, tháng có tháng không. Nhiều nhà tiền đám cưới là hết tiền tiêu, đấy là vì khi xưa họ cưới họ mời nhiều, giờ đi lại nhiều, lúc tụi em cưới chỉ làm mấy mâm cơm mời bà con họ hàng và bạn bè thân thiết nên giờ ít phải trả lễ lắm chị ạ."
Vợ chồng Trúc phải chi tiêu tằn tiện lắm mới lo được cho hai đứa nhỏ.
Chi tiết chi tiêu nhà Trúc Phạm:
1. Tiền bỉm sữa, ăn, học của con: 2.200.000 đồng
2. Tiền nhà trọ, điện, nước: 1.000.000 đồng
3. Tiền ăn uống: 1.500.000 đồng
4. Tiền mua đồ lặt vặt cho sinh hoạt hàng ngày: 500.000 đồng
5. Tiền mạng: 200.000 đồng
→ Tổng cộng: 5.400.000 đồng
Quả thật là "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", dù cuộc sống kinh tế có thể chưa dư dả, nhưng với những người đảm đang, tháo vát, biết thu vén thì mọi chuyện sẽ qua. Chúc cho gia đình Trúc sớm xây được căn nhà mà họ đang mong ước. Chúc mừng Trúc vì sau những ngày cực nhọc, cuộc sống của cô phần nào cũng đã được bình yên.
Tác giả bài viết: Quỳnh Chi
Nguồn tin: