Giáo dục

Cho học sinh Tiểu học học Sử như thế là quá nặng

Một trong những nguyên nhân được đưa ra trước sự yếu kém của môn Lịch sử là do sách giáo khoa quá nặng, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức.

Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng!

LTS: Đóng góp ý kiến quan điểm của mình về việc chương trình, sách giáo khoa Sử dành cho học sinh Tiểu học hiện nay, thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng sách Sử như vậy là quá nặng.

Thầy Dũng thể hiện sự không đồng tình về một số ý của tác giả Thành Trung trong bài viết "Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/12/2016 đăng bài viết "Sách Sử thế này, học sinh hãi Lịch sử là đúng!" của tác giả Tùng Sơn, nội dung bài viết phản ánh những kiến thức không phù hợp với học sinh lớp 4, lớp 5.

Không đồng tình với quan điểm này, ngày 8/1/2017, cũng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Thành Trung có bài viết "Không phải sách giáo khoa sử khó mà do nhận thức của giáo viên" để trao đổi lại.

Nhận thấy vấn đề về môn Lịch sử đã từng là tâm điểm tranh luận trong thời gian qua, trên cơ sở tìm hiểu lại sách giáo khoa cho học sinh tiểu học và đánh giá lại những nội dung của hai bài viết, tôi thấy cần có những trao đổi thêm.

Nói tới môn Lịch sử là nói những sự kiện, những con số những bài học trong quá khứ mang nhiều giá trị. Giá trị của tri thức lịch sử thì đã rõ ràng.

Lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, là nguồn dữ liệu để tham chiếu kinh nghiệm cha ông vào sự phát triển hôm nay.

bai hoc mon su
Một số bài học môn Sử trong sách giáo khoa bậc Tiểu học "quá nặng" so với lứa tuổi học sinh.

Thậm chí, lịch sử còn mang hồn cốt và thể hiện những giá trị truyền thống dân tộc. Không có lịch sử không thể hiểu được vị trí của hiện tại, với ý nghĩa đó, lịch sử còn thì văn hóa còn, mà văn hóa còn thì dân tộc còn.

Mặc dù hàm chứa nhiều những sự kiện bi tráng nhưng lịch sử không có lỗi, bởi đó là sự vận hành khách quan, bởi lẽ lịch sử có sự kiện oai hùng, nhưng cũng có những bi thương, đó là không thể khác, không ai có thể chọn lịch sử mà nhờ lịch sử nên con người và thời đại được định hình.



Tuy nhiên, có một nhận định là, trong thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có nhiều sa sút, gây nỗi lo âu trong xã hội.

Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử.

Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng không nhớ hay nhớ sai.

Trước tình trạng học tập môn Lịch sử của học sinh phổ thông, nhiều cuộc thảo đã diễn ra và có nhiều bài viết nói về vấn đề này.

Đặc biệt, ngày 15/11/2015, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Và một trong những nguyên nhân được đưa ra trước sự yếu kém của môn Lịch sử là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức.

Truy nguyên lên cao hơn là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học.

Như thế, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút môn Lịch sử đã được chỉ ra, vậy cần thiết nhìn nhận lại để thấy rõ những tồn tại và bất cập này trong chương trình Lịch sử đang được dạy cho học sinh hiện nay.

Hiện môn Lịch sử dạy cho học sinh phổ thông được bắt đầu từ cấp Tiểu học ở lớp 4, được tích hợp với môn Địa lý trong một sách giáo khoa chung, và sau đó học sinh được học tiếp ở lớp 5 cho đến hết bậc Trung học phổ thông.

Tuy nhiên, khi khảo cứu những nội dung lịch sử được dạy cho học sinh Tiểu học hiện nay có thể nhận thấy những nội dung này là quá nặng đối với học sinh tiểu học.

Có thể dẫn ra đây một số thí dụ như trang 32 sách Lịch sử lớp 4 các tác giả viết bài 10 “Chùa thời Lý”, tại bài học này, học sinh phải tiếp thu tại sao thời Lý đạo Phật rất thịnh hành và chùa được xây dựng với quy mô lớn.

Tiếp đến trang 47 có bài 17 “Nhà Hậu Lê và việc tổ chức quản lí đất nước”. Bài này, học sinh phải hiểu bộ máy nhà nước đứng đầu là vua, giúp vua cai quản đất nước có các bộ, viện.

Tiếp theo bài 17 là bài 18 “Trường học thời Lê” cũng hàn lâm không kém… Sang lớp 5, tính hàn lâm của các bài học vẫn vậy.

Chỉ có khoảng một nửa số bài là nói về các sự kiện lớn cần phải biết như “Mùa thu cách mạng”, “Điện Biên Phủ, pháo đài thực dân sụp đổ”, “Tiến vào Dinh Độc lập”,…

Còn lại đa phần là những bài học khô khan, học khó vào với trẻ 10 tuổi. Và rất nhiều nội dung quá hàn lâm bất cập khác nữa mà tác giả Tùng Sơn đã dẫn trong bài viết.

Bên cạnh đó là thiếu tính hệ thống về mặt khoa học. Bởi lẽ, nói đến Lịch sử là nói đến những sự kiện gắn với mốc thời gian cụ thể. Do đó, cần thiết nội dung phải được trình bày hợp lý theo trình tự thời gian về mặt khoa học.

Mặt khác, nói tới sách giáo khoa thì yêu cầu đầu tiên phải nói tới là tính khoa học. Vì thế đã là sách giáo khoa phải đảm bảo yêu cầu này.

Tuy nhiên, tác giả Thành Trung trong bài viết của mình lại khẳng định "sách giáo khoa sử không phải là một bộ sử hoàn chỉnh, nên trình bày không theo hệ thống là hiển nhiên" thì đó là điều không hợp lý.

Bên cạnh đó, nói đến lịch sử là nói đến sự chân thực của các sự kiện đã xảy ra, bởi lẽ không ai có thể sáng tạo ra lịch sử.

Lịch sử Việt Nam theo suốt một chiều dài là những cuộc đấu tranh chống lại ách xâm lược để giành độc lập và giải phóng đất nước.

Mà điển hình cho những cuộc dấu tranh đó là các cuộc khởi nghĩa vũ trang oai hùng mang đậm sắc của những cuộc đấu tranh bằng vũ lực chính nghĩa.

Vì thế, sách lịch sử phải phản ánh trung thực các sự kiện đó. Tuy nhiên, tác giả Thành Trung lại cho rằng "Học sinh chỉ biết lịch sử là chiến đấu, chiến đấu tất phải thắng, quan niệm này sẽ tạo cho các em tính hiếu thắng và xu hướng giải quyết các xung đột, mâu thuẫn bằng bạo lực" thì đây là một quan điểm không đúng.

Bởi lẽ, đó là các đấu tranh tuy bằng bạo lực nhưng đó là những cuộc đấu chính nghĩa, "dùng bạo lực để thắng hung tàn".

Và lẽ đương nhiên, khi giảng dạy các thầy cô giáo phải làm rõ những ý nghĩa đó đối với học sinh.

Do đó, qua lịch sử học sinh được biết đến những hy sinh xương máu của tổ tiên và cha ông, đó là những áng hùng ca hào hùng của dân tộc, thể hiện truyền thống yêu nước của một dân tộc không thể bị khuất phục, chứ không phải gieo vào đầu con trẻ tư tưởng giảỉ quyết mau thuẫn bằng bạo lực.

Đó là sự trung thực khách quan của lịch sử.

Theo quy định tại khoản 2 điều 27 Luật giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

Như thế, với những kiến thức mang tính hàn lâm của môn Lịch sử đang được dạy ở bậc Tiểu học hiện nay sẽ là quá nặng và không phù hợp với học sinh ở giai đoạn này.

Vì thế, khi viết lại sách giáo khoa, các tác giả cần lưu ý vấn đề này, và cũng để môn Lịch sử không còn khô cứng và sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với học sinh.

Tác giả bài viết: Trần Trí Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP