Trong nước

Cho công chức làm việc ở nhà hay đến cơ quan chấm công quẹt thẻ?

“Một người đến sớm – về muộn ở cơ quan, nhưng hiệu quả công việc lại không cao khi toàn nói chuyện điện thoại, mua sắm trên mạng. Chấm công, quẹt thẻ đúng với một số cơ quan nhưng thực tế cũng gây ức chế cho nhiều người lao động”, ông Hiểu đánh giá về hình thức quản lý người lao động.

Sáng ngày 16/11, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) đã làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến đề xuất cho một số công chức làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, thời kỳ công nghệ 4.0 hiện nay đặt ra cách tiếp cận, quản lý lao động khác hơn trước kia rất nhiều. Do vậy, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất cho một số công chức làm việc tại nhà thay vì đến cơ quan hàng ngày.

Ông Hiểu cho rằng, việc này nên áp dụng thí điểm ở những ngành, nghề và đối tượng lao động phù hợp.

“Những lĩnh vực như khoa học công nghệ, quản trị phần mềm, ngay cả lĩnh vực kinh doanh có thể thí điểm cho người lao động làm việc tại nhà”, ông Hiểu nói và đưa ra so sánh cách quản lý vận hành giữa taxi truyền thống nhưng nhìn hiệu quả không bằng Uber, Grab.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Đại biểu đang công tác tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tính hiệu quả công việc đòi hỏi chính nhà quản lý phải đổi mới tư duy. Bởi theo ông Ngọ Duy Hiểu, dù người lao động có đến cơ quan hàng ngày thì người quản lý chưa chắc đã quản lý được quỹ thời gian, công việc của họ.

Thực tế đại biểu dẫn chứng khi đánh giá thì lao động ở các cơ quan đều hoàn thành công việc, rất hiếm khi có người không hoàn thành nhiệm vụ. Dù vậy, chất lượng công việc ở hầu hết các cơ quan, khi thông tin về chỉ tiêu công việc đều cho thấy 80-90% đơn thư của dân chưa được giải quyết, nhiều công việc giải quyết chậm.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng đây là cách tiếp cận mới, TPHCM đang muốn xây dựng thành phố thông minh nên áp dụng thí điểm phương án cho một phận lao động ở những ngành nghề phù hợp làm việc tại nhà. “Thành phố thông minh thì phải có cơ chế thông minh, quản lý người lao động thông minh. Có thể TPHCM thí điểm làm trước một thời gian và Hà Nội sẽ là nơi áp dụng tiếp theo”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho biết khi đề xuất của ông được đưa ra, nhiều người dân còn nêu ý tưởng chọn quán cà phê làm nơi làm việc hay câu chuyện “cà phê khởi nghiệp” hiện nay. Do vậy, theo đại biểu không nên bó hẹp trong căn phòng làm việc mà có thể mở ở một không gian với nhiều người khác nhau…

Mặt khác, theo đại biểu Hiểu, không đến cơ quan làm việc sẽ đỡ được nhiều chi phí như điện, nước, giấy tờ tài liệu, làm cho đội ngũ lãnh đạo vận hành theo cơ chế thông minh. Đặc biệt giảm được họp hành rất nhiều, trong khi họp hành làm mất rất nhiều thời gian.

Chia sẻ về hình thức chấm công bằng quẹt thẻ mà nhiều cơ quan hiện nay đang áp dụng, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đánh giá, chưa có sự thay đổi cách quản lý lao động, cần phải tiếp cận mục tiêu hiệu quả công việc là gì?

“Một người đến sớm – về muộn ở cơ quan nhưng hiệu quả công việc lại không cao khi toàn nói chuyện điện thoại, mua sắm trên mạng. Chấm công, quẹt thẻ đúng với một số cơ quan nhưng thực tế cũng gây ức chế cho nhiều người lao động”, ông Hiểu đánh giá.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP