Xe

Chính phủ “bật đèn xanh” cho lắp ráp ôtô trong nước - Giá xe có giảm?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo đối với thay đổi giá tính thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB) đối với dòng xe du lịch dưới 9 chỗ trong bản đề xuất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Chính sách ưu đãi đối với các phần linh kiện ôtô sản xuất trong nước sẽ được Chính Phủ hỗ trợ miễn giảm thuế Tiêu thụ Đặc biệt.

Cụ thể, trong thông báo kết luận tại cuộc họp về nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của năm dự Luật về Thuế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính cân nhắc nghiên cứu ý kiến của Bộ Công thương trong việc giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Trước đó, theo đánh giá của Bộ Công thương, quy định tại điều 6 Luật thuế - đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra - chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Chính vì thế, Bộ Công thương đã có báo cáo số 34/BC-BCT về đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển. Trong đó có báo cáo liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra. Bộ Công thương cho biết tỷ lệ nội địa hóa với xe 9 chỗ đến nay mới đạt tỷ lệ bình quân 7 - 10%; trong đó, Thaco đạt tỷ lệ nội địa hóa 15 - 18%, Toyota là 37% (riêng với dòng xe Innova)...

Các linh kiện sản xuất tại Việt Nam, sau hơn 20 năm với các chính sách bảo hộ của Nhà nước, vẫn chỉ là những vật tư có hàm lượng chất xám thấp, giá trị không cao, như dây điện, ghế ngồi, ống xả, vật liệu nhựa...

Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, Bộ Công thương đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng), nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước.

Bộ Công thương cho rằng đây là một trong những thay đổi để có thể thực hiện được chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo điều kiện để ô tô sản xuất trong nước cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu trước bối cảnh hội nhập.

Không giảm thuế những phụ tùng đã sản xuất được trong nước

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính Phủ Đề xuất sửa đổi chính sách thuế đối với linh kiện ôtô, giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện ôtô phục vụ nhu cầu sản xuất xe trong nước. Theo đó bộ đề xuất xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2018 – 2022 với cơ chế khuyến khích sản xuất để tăng dung lượng thị trường và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ôtô.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam bao gồm các thương hiệu sản xuất ôtô du lịch lớn như Toyota, Honda, Trường Hải (với Mazda, KIA, Peugeot...), riêng Hyundai Thành Công dù có nhà máy trong nước nhưng không phải là thành viên của VAMA.

Bộ Tài chính đề nghị không giảm thuế nhập khẩu linh kiện đại trà cho tất cả các chủng loại xe, mà tập trung vào các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Trước mắt, cần tập trung ưu đãi cho dòng xe từ 2.000cc trở xuống, có mức tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100km và đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 (tương đương Euro 4 trong giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi). Cùng với đó là ưu đãi cho dòng xe tải nhẹ có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 (từ năm 2022 trở đi).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc không giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng mà trong nước đã sản xuất được căn cứ theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành (Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được).

Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam muốn nhiều hơn thế

Đề xuất của Bộ Tài Chính lại không có được sự đồng thuận của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) khi đã có văn bản gửi Văn phòng Chính Phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Công thương đề xuất nên giảm thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018 cho tất cả các linh kiện CKD được nhập khẩu bởi các nhà sản xuất ôtô. Và rằng việc này mới tạo ”sự cân bằng” về thuế nhập khẩu giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, chứ không hoàn toàn là ”ưu đãi cho sản xuất trong nước”.

Trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam liên tục đưa ra các đòi hỏi về bảo hộ sản xuất thì câu hỏi được người tiêu dùng quan tâm nhất là liệu người dân có được sử dụng các mẫu xe có giá bán hợp lí? Câu trả lời này dường như được hé lộ một phần khi sức ép của thị trường quyết tâm đợi chờ mốc thời gian 2018 tới đây đã khiến các hãng bắt đầu có những đợt giảm giá rầm rộ.


Trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam liên tục đưa ra các đòi hỏi về bảo hộ sản xuất thì câu hỏi được người tiêu dùng quan tâm nhất là liệu người dân có được sử dụng các mẫu xe có giá bán hợp lí? Câu trả lời này dường như được hé lộ một phần khi sức ép của thị trường quyết tâm đợi chờ mốc thời gian 2018 tới đây đã khiến các hãng bắt đầu có những đợt giảm giá rầm rộ.
Lí giải cho lập luận này, VAMA cho rằng sau năm 2018 thị trường sẽ tràn ngập xe từ ASEAN với thuế nhập khẩu bằng 0% và đe dọa sự tồn tại trong nước. Vì thế trong giai đoạn các thành viên VAMA đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất tại Việt Nam thì việc Bộ Tài Chính yêu cầu các nhà sản xuất phải gia tăng sản lượng cũng như tỷ lệ nội địa hóa hằng năm một cách nhanh chóng và liên tục trong giai đoạn 2018 đến 2022 là không phù hợp.

Trong khi đó, VAMA cũng không quên nhắc tới việc bảo hộ thêm cho sản xuất trong nước với sự đồng thuận của với đề xuất áp dụng mức thuế cao nhất theo cam kết đối với xe đã qua sử dụng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và góp phần bảo vệ môi trường.

Tác giả: Như Phúc

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP