Kinh tế

Chiều nay, giá xăng dầu đồng loạt tăng

Từ 15h ngày 3/4, xăng E5 RON 92 tăng 60 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 90 đồng/lít.

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều 3/4.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng 60 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 90 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.080 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.120 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng trong đợt điều hành này. Trong đó, giá dầu diesel tăng lên 19.430 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 430 đồng còn 19.030 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu là 300 đồng/lít.

Ở kỳ điều hành trước đó, giá bán lẻ xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giảm.

Theo đó, giá xăng RON95 giảm 780 đồng, xuống 23.038 đồng/lít; xăng E5 RON92 giảm 784 đồng, xuống 22.020 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel giảm 1.200 đồng, bán ra ở mức 19.302 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.253 đồng, xuống 19.462 đồng/lít; dầu mazut giảm 800 đồng, bán ra là 14.479 đồng/kg.

Tính chung từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 21/3, Petrolimex dương 2.367 tỷ đồng, PVOil âm 375 tỷ đồng, Saigon Petro dương 302 tỷ đồng, Petimex dương 397 tỷ đồng...

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/3/2023-03/4/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tâm lý lo ngại về biến cố của một số ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu đã giảm bớt sau khi các ngân hàng được giải cứu; lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu từ Iraq, kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga và thông tin về dự trữ dầu thô của Mỹ…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/3/2023 và kỳ điều hành ngày 03/4/2023 là: 93,822 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 1,581 USD/thùng, tương đương tăng 1,71% so với kỳ trước); 98,294 USD/thùng xăng RON95 (tăng 1,783 USD/thùng, tương đương tăng 1,85% so với kỳ trước); 94,828 USD/thùng dầu hỏa (giảm 2,324 USD/thùng, tương đương giảm 2,39% so với kỳ trước); 96,891 USD/thùng dầu điêzen (tăng 0,574 USD/thùng, tương đương tăng 0,6% so với kỳ trước); 409,928 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 2,709 USD/tấn, tương đương giảm 0,66% so với kỳ trước).

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia ngày 30/3, hiện tổng mức dự trữ xăng dầu chỉ vào khoảng 65 ngày.

Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều.

Bộ Công Thương cho hay Việt Nam đặt mục tiêu nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75-80 ngày nhập ròng đến năm 2030 và tiến tới 90 ngày nhập khẩu ròng đến năm 2050. Khí đốt dự trữ đạt tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.

"Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác", Bộ cho biết.

Tác giả: Tuệ Minh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP