Trong nước

Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950: Tầm nhìn chiến lược của Đảng

Hôm qua (2/10), tại Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo.

Đúc kết những bài học lịch sử

70 năm qua, Chiến dịch Biên Giới (CDBG) Thu - Đông 1950 đã được các cơ quan, các vị tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các hội thảo khoa học làm sáng tỏ ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau.

Song với tầm vóc và ý nghĩa to lớn, với độ lùi thời gian và dựa trên nhiều nguồn tư liệu lịch sử mới, với cách tiếp cận mới, Chiến thắng đó tiếp tục được nghiên cứu, luận giải để vận dụng, phát huy hơn nữa những kinh nghiệm và bài học lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện nay.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định, CTBG Thu - Đông 1950 là kết tinh của những nỗ lực phi thường của quân và dân ta trong những năm “chiến đấu trong vòng vây” của địch đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân ta, là sự kiện lịch sử đánh dấu bước nhảy vọt, tạo chuyển biến quan trọng về cục diện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; chuyển cuộc kháng chiến của quân và dân ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.

Đối với thực dân Pháp, đây là thất bại nặng nề chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương lần thứ hai. Gần 10 tiểu đoàn, mà phần lớn là lính Âu - Phi đã bị tiêu diệt gọn trong một chiến dịch, cơ bản làm sụp đổ kế hoạch Rơve.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh, hội thảo khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở CDBG - nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của quân và dân ta trong Thu - Đông 1950.

Hội thảo đã nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Biên Giới (CTBG) Thu - Đông 1950; tập trung khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Chính ủy và Bộ Tổng Tư lệnh ở thời điểm có tính chất quyết định tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới; về phát huy sức mạnh của cả nước để làm nên chiến thắng; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam…

Những bài học từ CTBG Thu - Đông 1950 có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật quân sự

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương; các quân khu, binh chủng; các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội…


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Biên giới (1950).

Nhiều tham luận đã khẳng định, với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, đề ra quyết tâm chiến lược, chủ động mở chiến dịch tiến công lớn đúng lúc, chọn đúng hướng và tập trung lực lượng kiên quyết giành thắng lợi. CDBG1950 là một trong những chiến dịch điển hình về chỉ đạo đúng đắn, tài tình của Đảng; sự chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch quyết đoán, tài giỏi của Bộ Tổng Tư lệnh. Đó chính là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Một số tham luận đã đi sâu phân tích, làm rõ những nội dung trên và khẳng định: CTBG Thu - Đông 1950 là thắng lợi chung thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ của quân và dân cả nước, của tiềm lực trong nước và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Đó là minh chứng khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối kháng chiến của Đảng ta.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá, đến CDBG 1950, Quân đội ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về lực lượng và trình độ tác chiến. Lần đầu tiên, hầu hết các đơn vị chủ lực tương đương với 2 đại đoàn được huy động vào một chiến dịch có quy mô lớn, dài ngày, trên một địa bàn rộng, tác chiến hiệp đồng binh chủng, lấy đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự là chính.

Sau CTBG, lực lượng vũ trang của ta tiếp tục được xây dựng, củng cố và phát triển nhanh chóng, với nhiều sư đoàn, trung đoàn mạnh, có cả bộ binh và các binh chủng, đã mở nhiều chiến dịch lớn và giành thắng lợi vang dội, đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

CDBG 1950 đồng thời khẳng định bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch. Nhiều tham luận đã đi sâu phân tích về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng, nghệ thuật nghi binh, chọn hướng tiến công, chọn mục tiêu then chốt đánh trận mở màn chiến dịch và khẳng định đó là những thành công nổi bật của nghệ thuật chiến dịch.

Kết quả Hội thảo một lần nữa góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề khoa học về lý luận và thực tiễn đặt ra từ CTBG; nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tác giả: Lam Hạnh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP