Chị Thơ cho biết, để trồng nấm thì khâu làm bịch nấm phải rất công phu và kỳ công. Nguyên liệu để làm mỗi bịch nấm là mùn cưa, vôi, bột cám gạo, cám ngô và bột nhẹ. Công đoạn xử lý, làm bịch nấm phải đảm bảo đúng tỷ lệ pha trộn. Sau khi cấy phôi giống vào bịch, khoảng 20 ngày khi treo lên dàn phải theo dõi để rạch bịch cho nấm mọc ra. Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc nấm sò trắng, chị Hồ Thị Thơ cho biết:“ Trồng nấm thì dựa vào độ ẩm và nhiệt độ để phun tưới. Độ ẩm mà dưới 60% thì tưới ngày 2- 3 lượt còn 70-80% thì ngày một lượt, trời mưa thì độ ẩm cao nên 2-3 ngày tưới một lượt”
Hiện nay, với hơn 3.000 bịch nấm, mỗi ngày gia đình chị Thơ thu hái được từ 20-30kg nấm sò. Tùy theo lứa, nhưng trung bình mỗi lứa nấm thu hoạch từ 2-3 tháng, sau đó gia đình chị lại sản xuất lứa mới. Hiện, sản phẩm nấm sò của gia đình chị Hồ Thị Thơ làm đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Được nuôi trồng sạch sẽ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên nấm sò của gia đình chị Thơ rất được khách hàng ưa chuộng. Từ hiệu quả của mô hình nấm sò của gia đình chị Thơ, trong thời gian quan, Hội phụ nữ xã Yên Hợp đã tổ chức nhiều đợt cho hội viên đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Chị Cao Thị Quyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Hợp cho biết: “Với nguồn vốn vay từ ngân hàng thông qua tổ chức Hội phụ nữ, từ năm 2015 chị Thơ đã học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để mở mô hình trồng nấm sò, hiện đang phát triển tốt. Trồng nấm không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, vốn đầu tư ít, công chăm sóc không nhiều, đầu ra, giá cả ổn định, trong thời gian sắp tới chúng tôi dự tính nhân rộng mô hình này đến tận hội viên trong toàn xã.
Tác giả bài viết: Minh Nguyệt
Nguồn tin: