Cuộc sống

Chỉ ho nhẹ, chàng trai trẻ đi khám thì phát hiện 'của quý' đã ung thư

Nam thanh niên đi khám sức khoẻ vì bị ho. Tuy nhiên khi làm các xét nghiệm kiểm tra, các bác sĩ phát hiện trên phổi anh có rất nhiều nốt, biểu hiện của một căn bệnh ung thư không thể ngờ tới.

Đó là trường hợp của anh Huỳnh Văn T. (25 tuổi, ngụ TPHCM). Ít ngày trước, anh đi kiểm tra sức khỏe vì thấy ho chút ít, ngoài ra không có triệu chứng gì khác. Nhưng khi BS làm các xét nghiệm kiểm tra thì phát hiện có rất nhiều nốt trên phổi bệnh nhân. Đây là hình ảnh điển hình của ung thư từ một cơ quan khác di căn đến phổi.

Tiến hành khai thác các triệu chứng ở tinh hoàn, anh T. cho biết hiện tại không có gì bất thường, ngoại trừ trước đó vài tháng có bị sưng tinh hoàn phải, sau đó tự hết. Ngay lập tức, các BS khám tinh hoàn phải bệnh nhân thì phát hiện khối u cứng, không sưng đau. Vì không gây đau nên người bệnh đã không đi khám trong một thời gian tương đối dài. Đây chính là lý do ung thư tinh hoàn có thời gian di căn lên phổi.

Bệnh nhân mang tâm lý ngại khám vùng nhạy cảm nên khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn.

Theo ThS BS. Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV Đại học Y Dược TP.HCM (BVĐHYD) cho biết, vì bệnh nhân trên có kết quả các xét nghiệm tổng quát rất bình thường và có sức khoẻ tương đối tốt nên các BS lưu ý đến các cơ quan thường bị bỏ sót trong quá trình khám và xét nghiệm tổng quát là tinh hoàn.

"Các bộ phận bị ung thư di căn đến phổi thường hay gặp là vú (ở phụ nữ), tinh hoàn (ở nam giới), đại tràng, thận, vòm hầu, xương, tuyến giáp..." – BS Vinh nói.

BS Nguyễn Như Vinh tiếp nhận một bệnh nhân gặp rắc rối ở vùng kín.

TS BS. Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu BV ĐHYD cho biết, ở trường hợp này, mặc dù phát hiện có bất thường ở bìu từ trước nhưng do chủ quan nên người bệnh không đi khám, và ngay cả khi đi khám vẫn không nói với BS về bất thường này.

"Có thể người bệnh cho rằng triệu chứng như vậy là bình thường nhưng phần lớn hơn là khi bị bệnh ở những chỗ nhạy cảm như bộ phận sinh dục sẽ khiến người bệnh ngại e ngại", BS Đức phân tích.

Oái oăm thay, những thanh niên từ 15-35 tuổi có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn nhiều nhất lại là những người còn quá trẻ, do đó rất ngại khi khám vùng nhạy cảm. Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm tinh hoàn lạc chỗ, bất thường bẩm sinh về hệ tiết niệu sinh dục hay có tiền căn gia đình có người bị ung thư tinh hoàn.

Tinh hoàn còn nằm trong ổ bụng là một trong những nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn.

Biểu hiện của bệnh có thể kể đến như có cục cứng chỗ bìu, đôi khi có cảm giác đau hay khó chịu vùng bìu, bìu lớn lên bất thường. Một số người bệnh có cảm giác đau vùng bụng dưới, lưng hay bẹn. Nếu phát hiện trễ khi ung thư đã di căn đến nơi khác thì tuỳ nơi di căn sẽ có các biểu hiện triệu chứng của cơ quan đó như: ho, khó thở, đau bụng, nôn ói, đau nhức xương, thậm chí yếu liệt, nhức đầu hay hôn mê (nếu di căn lên não).

Tuy nhiên theo các BS, may mắn là ung thư tinh hoàn lại là một trong những loại ung thư có thể chữa khỏi, khi bệnh nhân có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 95%.

Ung thư tinh hoàn có khả năng chữa khỏi rất cao (Ảnh minh hoạ).

"Nếu phát hiện sớm khi ung thư còn nằm tại tinh hoàn mà chưa di căn đến nơi khác thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu phát hiện trễ thì tế bào ung thư sẽ di căn đến nhiều cơ quan khác và khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên ung thư tinh hoàn di căn xa vẫn còn khả năng chữa khỏi cao hơn rất nhiều so với các loại ung thư khác khi đã di căn" – BS Đức cho biết.

Qua trường hợp này, BS Đức khuyến cáo người dân nên đi khám để bác sĩ theo dõi, định kỳ mỗi 1- 2 năm một lần để phát hiện bệnh sớm nhằm đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Đồng thời, các bạn nam trẻ tuổi nên tự khám cơ quan sinh dục của mình cũng như không nên ngại ngần trao đổi với bác sĩ nếu thấy bất thường.

Tác giả: Hoàng Lê

Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP