Ngôi nhà của chị Đỗ Thị Cúc, 48 tuổi, nằm nép mình ở một góc làng Phú Đa (xã Công Lý, huyện Lý Nhân). Hai bên nhà, những chiếc tiểu nhỏ nằm chồng chất. Như mọi ngày, chị đạp xe ra bãi rác đầu làng, đầu tiên tìm kiếm xem có thai nhi nào bị bỏ rơi, gói ghém cẩn thận vào một chiếc hộp treo lên ghi đông xe. Sau đó, chị mới nhặt nhạnh những chai lọ, hay bất cứ thứ gì có thể bán được tiền.
Cũng trong một lần đi nhặt rác như vậy 10 năm trước, nhân duyên đã đưa chị đến với công việc nhặt thai nhi. "Bữa đó tôi vào bãi nhặt bao bì, nilon, bất ngờ thấy một bịch, bên trong có 7 thai nhỏ xíu, nằm giữa bãi phế liệu. Sau khi định thần tôi quyết định đem các em về nhà chôn cất", người phụ nữ tứ tuần, vóc người đậm, gương mặt hiền hậu, nhớ lại.
Chị mua những miếng vải, lựa phần đất ngay trong vườn của mình làm cho các em một ngôi mộ. Nghĩ những sinh linh tội nghiệp bị vứt bỏ, ngay đến một chốn yên nghỉ cũng không có, từ đó chị Cúc đã đạp xe đi từng bãi rác, bệnh viện để mang về, hôm ít thì vài bé, lần nhiều đến cả chục, nhất là ở các bệnh viện, phòng khám, cả trong và ngoài tỉnh. Chị cho số điện thoại để các bệnh viện, phòng khám hoặc ai có nhu cầu bỏ thai thì gọi đến.
Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, chị đặt các em trong những chiếc hộp nhựa, sau đó một năm thì bắt đầu mua tiểu chôn cất. Nhiều khi bí tiền, chị mua những miếng khuôn xi măng rồi ghép lại thành tiểu, đỡ đồng nào hay đồng đó.
10 chiếc mộ lớn chôn cất thai nhi bị bỏ rơi trong vườn nhà chị Cúc. Mỗi hầm mộ này chứa vài nghìn thai nhi. Ảnh: Khánh Linh. |
Ngôi nhà nhỏ ba gian của chị Cúc hiện là nơi sinh sống của 9 thành viên. Ngoài hai vợ chồng, mẹ già 87 tuổi và 4 con thì chị Cúc còn nhận nuôi hai bé Bảo Phúc và Bảo Khánh, con song sinh của một người mẹ trẻ không có khả năng nuôi dưỡng.
Hơn 3 năm trước, một cô bé lớp 12 gọi điện cho chị kêu cứu vì lỡ dại mang bầu, trong khi thai to đã hơn 8 tháng. Thuyết phục được cô gái không phá, chị chạy đi vay nóng mượn 10 triệu đồng để đóng viện phí cho cô bé sinh con. Sau đó thì mang hai bé về nuôi.
"Bảo Quốc và Bảo Khánh sinh ra rất yếu do mẹ bé giấu thai nên để lại nhiều hậu quả. Trong suốt những tháng đầu, hai bé chỉ ngủ trên vòng tay tôi cả ngày lẫn đêm nên thời gian đó tôi vô cùng mệt mỏi. Giờ nhìn hai cháu lớn lên, ngoan ngoãn thế này, nghĩ lại những ngày đó lại thấy ngọt ngào", chị ôm hai bé trong lòng nói.
Từ những lần giúp đỡ các cô gái sa ngã như thế, số điện thoại của chị Cúc tự nhiên được những cô gái trẻ rỉ tai nhau. Không ngồi im chờ người gọi đến, cứ biết có người gặp vấn đề, ở đâu đang chuẩn bị phá thai là chị chủ động tìm đến thuyết phục. Đến nay 78 bé được sống trên đời nhờ chị.
Trong suốt hành trình của mình, chị Cúc nhớ nhất là ngày nhận được tin có một trường hợp muốn phá thai ở một bệnh viện tại Hưng Yên. Không quản đường xa 70km, chị một mình phóng xe đến thuyết phục. Trên đường về tối, một chiếc xe máy bất ngờ đâm phải, khiến chị Cúc văng xa và bị rách lớn ở đùi, nay vẫn để lại vết sẹo dài. Lần đó, chị chẳng đi được đâu cả tháng.
"Bù lại, người mẹ kia đã giữ lại đứa trẻ và sinh được một bé trai ngoan ngoãn. Tôi cho rằng, để cứu một mạng người thì đó là món quà quý giá giúp tôi vượt qua mọi khó khăn", đôi mắt chị ánh lên niềm tin sắt đá.
Hai bé sinh đôi chơi cùng với con gái của chị Cúc. Ảnh: Khánh Linh. |
Gia đình làm nông, chị Cúc đi nhặt thêm đồng nát, còn chồng chị làm thợ mộc. Ngay từ những ngày đầu vợ làm việc này, anh Tiến - chồng chị - đã rất ủng hộ. Thậm chí ngay cả khi vợ mang cặp sinh đôi về nuôi, nhiều tháng liền không làm ra tiền, anh vẫn một tay vun vén rau cháo nuôi gia đình.
Nhiều người không hiểu, ban đầu cho rằng chị làm việc "trần gian có một" rồi kỳ thị, xa lánh. Sau đó nhiều lần có người chứng kiến cảnh chị nhặt các bé nằm trên bãi rác lạnh lẽo thì những điều tiếng mới không còn. Tại bệnh viện hay các phòng khám tư, thời điểm đầu chị cũng bị gây khó dễ, nhưng những năm gần đây, chị được tạo điều kiện tốt hơn.
Những năm trước, kinh tế luôn là vấn đề chị Cúc phải lo khi làm việc thiện. Hai năm nay, chị được các nhà sư, nhà hảo tâm ủng hộ, từ đó không còn phải lo lắng việc mua vải hay quan tiểu cho các sinh linh bị bỏ rơi nữa.
"Lúc đầu chúng tôi cũng khó hiểu khi cô ấy làm thế. Sau thấy cô ấy làm việc tốt, hàng xóm láng giềng cũng chung tay giúp đỡ để phần nào an ủi linh hồn những đứa trẻ xấu số. Con trai tôi từng giúp cô ấy xây cái huyệt để chôn cất thai nhi", bà Đỗ Thị Cầm (hàng xóm chị Cúc) cho biết.
Những chiếc tiểu chất ngày càng cao hai bên chái nhà chị Cúc. Mỗi chiếc tiểu sẽ là nơi yên nghỉ của vài bé. Ảnh: Khánh Linh. |
Ở một góc vườn nhà, 10 ngôi mộ - nơi yên nghỉ của gần 20 nghìn sinh linh - mỗi ngày đều được hương khói. Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, hai bé Bảo Quốc và Bảo Khánh đã bước sang tuổi thứ 3, đang nô đùa cùng con gái út của chị Cúc.
Từ lúc có thêm hai bé, ngôi nhà vốn chật của chị càng thêm ồn ào, chật chội nhưng chị Cúc chẳng ngại để nó chật chội, ồn ào thêm nữa... như công việc nhặt thai nhi 10 năm qua chị đã làm.
Ông Nguyễn Văn Khôi, trưởng thôn Phú Đa, cho biết: "Công việc của cô Cúc là tích cực, phần nào an ủi linh hồn những người xấu số. Trước giờ tôi thấy cô ấy không đòi hỏi trợ giúp gì từ chính quyền, riêng bản thân tôi thì ủng hộ công việc của này của cô". |
Tác giả: Khánh Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress