Anh tôi gần 40 tuổi mới có bạn gái, không phải chỉ cả nhà mà cả họ vui. Thế nên tôi đã tự nhủ chắc cảm nhận của tôi không chính xác. Vậy mà không phải đợi lâu, chị mới về làm dâu được một thời gian nhà tôi đã... loạn.
Bố mẹ tôi thì ấm ức ra mặt. Con dâu cậy học ngành luật, có tí hiểu biết nên cách nói chuyện rất cứng nhắc, thi thoảng như thể "dọa" bố mẹ chồng: Nếu bố mẹ xử lý như vậy thì vi phạm điều này, điều kia...
Đến nước này thì tôi đành chào thua chị (Ảnh minh hoạ) |
Cách chị nói khiến người già dù không làm gì sai cũng cảm thấy sợ. Chị cũng thường xuyên thể hiện mình là "người biết tuốt" còn người khác toàn thiếu hiểu biết. Hồi đầu, tôi cũng hay tranh luận với chị nhưng cách nói chuyện ngang hơn cua của chị khiến người đối diện rất ức chế. Vì thế, tôi chọn cách chủ động dừng câu chuyện và lâu dần không còn trao đổi hay trò chuyện gì với chị để khỏi mất thời gian và công sức tranh cãi.
Cuối tuần, mẹ tôi hay bày vẽ nấu món nọ món kia, chị cũng tham gia, tất nhiên chỉ "le ve" vòng ngoài vì chị nấu ăn không ngon. Vậy mà sau mỗi bữa ăn, chị lại đưa rất nhiều hình ảnh, từ công đoạn đầu tiên đến khi có thành phẩm như thể chị là người nấu vậy.
Tất nhiên, những bài đăng đó đều có rất nhiều người bình luận khen chị. Tôi đọc không thiếu cái nào, hy vọng chị sẽ trả lời "đó là món do mẹ chồng chị làm" nhưng chị chưa một lần nói thật điều đó, ngang nhiên kiểu "Lý Thông cướp công Thạch Sanh". Tôi cũng nghĩ rất thoáng, facebook là nơi để chị giao lưu vui vẻ nên chị không nói thật cũng chẳng sao.
Ngoài đời, gặp ai chị cũng thơn thớt nói cười, giả lả cứ như thể thân thiết lắm. Đã mấy lần cả tôi và mẹ đều bị hàng xóm hỏi: "Nhà bà cần tiền làm gì mà thấy con dâu bà sang hỏi vay?". Khi về hỏi chị, chị tưng tửng trả lời: "Chuyện riêng của chị í mà, hôm đó cần gấp quá nên chị vay họ thôi. Chị trả họ hết rồi!".
Nhưng đến tận khi đã chia tay với anh tôi, mẹ tôi vẫn phải là người trả cho chị những món nợ mà chị nói "đã trả hết". Anh chị tôi chỉ có một con gái, nghĩ con gái ở với mẹ là tiện nhất nên anh tôi ngay từ đầu đã không tranh chấp quyền nuôi con với chị mà chủ động chu cấp cho cháu mỗi tháng. Điều này thể hiện ngay trong phán quyết của tòa.
Anh chị chia tay, bố mẹ tôi buồn lắm nên cuối tuần anh thường "xin phép" chị để đón con về chơi với ông bà nội. Bố mẹ tôi yêu quý con bé, chăm sóc tỉ mỉ, mua quà bánh, quần áo mới... mỗi lần cháu về. Nói chung, cả nhà tôi đều cố gắng để anh chị chia tay trong hòa bình. Nhưng chị hình như vẫn kiểu sống hằn học...
Dù đã chia tay, chị vẫn liên tục "buôn" với hàng xóm nhà tôi. Chị kể những câu chuyện như thể nhà tôi toàn người cạn tình, may chị có kiến thức luật nên mới bảo vệ được quyền lợi của hai mẹ con. "Ông bà đón cháu về mà chẳng cho cháu đi chơi, đi ăn, toàn ru rú trong nhà, mua cho cháu toàn quần áo rẻ tiền". Tôi nghe chị hàng xóm kể lại mà thấy thương bố mẹ đến thắt lòng.
Hàng xóm ai cũng biết bố mẹ tôi quý cháu đến mức nào. Ông bà chi tiêu gì cho bản thân cũng phải nghĩ rất lâu nhưng với con bé thì tôi thấy họ chưa từng tiếc gì. Cực chẳng đã, có hôm đưa cháu về với mẹ, tôi đã trao đổi với chị mấy câu hy vọng chị thương bố mẹ chồng cũ đã già, đừng "buôn" chuyện không đâu với hàng xóm nữa nhưng chị lại hất hàm hỏi ngược lại tôi: "Cô có bằng chứng gì là chị nói chuyện với họ không? Cô có biết tội vu khống...".
Đến nước này thì tôi đành chào thua chị. Kể mà không phải vì đứa cháu dễ thương thì tôi cũng muốn gia đình tôi cắt phăng quan hệ với chị cho đỡ nặng đầu.
Tác giả: Hải Giang
Nguồn tin: phunuvietnam.vn