Từ xưa đến nay, chuyện đàn ông đi nhậu, coi bạn bè là "anh em", sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì chiến hữu đã không còn xa lạ. Người ngoài gặp họ, nói họ là người nhiệt tình, xả thân, là những người "hào sảng", phóng khoáng.
Nhưng, cái gì cũng có cái giá của nó. Con người, ai cũng chỉ có 24 giờ/ ngày, 7 ngày/ tuần, các anh cứ hết lòng vì chiến hữu, sẵn sàng có mặt mọi lúc mọi nơi, vậy thời gian dành cho vợ con của mình, các anh để ở đâu? Nhân câu chuyện này, nhà báo Hoàng Hường đã có chia sẻ thu hút hàng nghìn lượt likes. Xin được trích nguyên văn tâm sự của nữ nhà báo.
|
"Những người đàn ông “hào sảng”
Sáng ngày nghỉ đi dạo, thấy một mẹ bỉm sữa bế con chừng 2 tháng, mặc đồ ngủ đi dép lê ngồi bên vỉa hè khóc. Mình hỏi làm sao, có cần giúp đỡ gì không, mẹ bỉm sữa kể luôn một tràng dài.
Tóm tắt là: chồng của chị là người hiền lành chăm chỉ, nhưng có tính nể bạn quá đáng. Từ giỗ ông của bạn đến sang họ hàng, đến bố bạn ốm con bạn đau cũng xăng xái từ đầu đến cuối. Bạn ới một cái là mất hút. Nhà của hai vợ chồng luôn là điểm hẹn tụ tập của nhóm bạn chồng, bất kể: buồn vui sinh nhật hội ngộ… cũng đến nhà thằng K, và “vợ thằng K” luôn là người chịu trận cho những cuộc tụ tập ấy. Nhẹ nhàng thì vài chai bia đĩa mực, rình rang thì mâm bát.
|
“Lúc mới lấy nhau thì em cũng thấy vui, nhưng khi em sinh con xong các anh ấy vẫn thế. Em thức cả đêm trông con, vừa nghỉ được tý là chồng gọi về chuẩn bị “mấy thằng bạn anh” đến, lại mâm bát chén đĩa. Họ đến lần đầu cho thằng cu nhà em ít tiền, lần sau không cho nữa, mà hai vợ chồng có dư dả gì, tiền bỉm sữa cho con chả đủ, lại cứ phải mua đồ đãi bạn.
Mấy lần em nói, chồng em cứ bảo: bạn quý mình mới đến. Sáng nay anh cũng bảo bạn đến nhưng em vừa chán vừa mệt, con lại quấy, em mặc kệ chẳng nấu nướng gì. Anh ấy cùng mấy người bạn về thấy thế, chẳng nói chẳng rằng anh ấy tát em, thế là em bế con ra đây ngồi, chẳng muốn về nhà nữa”.
Tôi nghe xong chẳng biết nói thế nào. Tôi biết trên đời có nhiều người đàn ông “hào sảng” kiểu đó. Văn học đã có tác phẩm “Trẻ con không biết ăn thịt chó” cũng gần giống như vậy. Những người có thể chu đáo với tất cả thiên hạ, trừ vợ con mình.
|
Anh chồng trong câu chuyện và nhóm bạn vô tâm đến mức không hiểu thời gian sau sinh khó khăn với phụ nữ thế nào, nhất là người có con lần đầu. Tôi thấy 9 tháng mang thai, sinh con đau đớn cũng chả vấn đề gì, nhưng sau khi sinh con thì mãi không quen được. Lúc trước tối lăn ra ngủ một mạch đến sáng, ăn lúc đói, chơi lúc rảnh; giờ lúc buồn ngủ rũ ra thì đứa trẻ không cho ngủ, lúc nó ngủ thì lại việc nọ kia, hoặc cố ngủ mãi không được, khi bắt đầu ngủ được thì nó dậy. Nhịp sinh hoạt đảo lộn.
Có lần tôi phát cáu quay sang quát đứa con sơ sinh: “Tao điên mày lắm rồi đấy”… Trầm cảm sau sinh cũng một phần vì thế chứ đâu. Mình hoàn toàn hiểu cảm giác của bà mẹ bỉm sữa kia.
Mình biết nhiều người, nhất là con trai, hầu như không có khả năng khước từ đám bạn thân điều gì. Chỉ có điều, người đàn ông phải trải qua biến cố rồi mới nhận ra điều này: ai cũng cần bạn bè, đặc biệt đàn ông luôn cần bằng hữu trong đời và sự nghiệp; nhưng đấy là lúc anh khoẻ mạnh vui vẻ, mọi sự đang tốt đẹp.
|
Khi có biến cố thì bạn bè chỉ đến lúc đầu, sau rồi người thay bỉm nấu cháo pha thuốc cho anh, là người cuối cùng ở bên anh chỉ có thể là người đàn bà gần gũi. Đứa con được sinh ra từ máu thịt của anh, nhưng anh lại xếp họ ở vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên. Điều đó không chỉ bất công mà ngu ngốc, khi gặp biến cố rồi anh sẽ thấy điều đó.
Và anh dễ dãi sẽ tập hợp những người bạn tồi, hoặc biến họ thành tồi. Những người tử tế không gọi anh giúp đỡ bất kể lúc nào, không tận dụng thời gian của anh, đặc biệt không bao giờ làm phiền người thân của anh. Những người tử tế biết nghĩ sẽ không bao giờ đến nhà anh nhậu nhẹt khi vợ anh đang nuôi con nhỏ. Anh sống thế nào, sẽ có những mối quan hệ thế đó.
Cuối cùng, mình muốn hỏi: mấy người bạn đến nhà người ta lúc con họ khóc, vợ họ sưng xỉa rầu rĩ, chồng cười gượng gạo. Nhậu có ngon không?"
Tác giả: Mayny, theo fb Hoàng Hường
Nguồn tin: Tạp chí khám phá