Kinh tế

Chỉ 3 ngày, Sabeco 'đút túi' 25.000 tỷ đồng, người giàu nhất VN ‘đánh rơi’ 1.500 tỷ đồng

Ông lớn ngành bia Sabeco khiến nhiều người giật mình khi đút túi hơn 25.000 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày còn người giàu nhất Việt Nam “đánh rơi” tỷ đồng.

Tháng 12 là thời điểm nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn đồng loạt niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý nhất là cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Chào sàn TP.HCM trong ngày 6/12, bất chấp chỉ số VN-Index rung lắc mạnh, có thời điểm giảm rất sâu, cổ phiếu SAB vẫn rất vững vàng. Tới nay, SAB đã trải qua 3 phiên tăng trần liên tiếp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/12, SAB dừng ở mức 151.000 đồng/CP.

So với giá chào sàn, SAB đã tăng 40.000 đồng/CP tương ứng 36%. Với đà tăng mạnh này, chỉ sau 3 phiên giao dịch, SAB đã giúp vốn hóa thị trường Sabeco tăng 25.651 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) lên 96.833 tỷ đồng. SAB sắp lọt vào danh sách các công ty có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng.

Giật mình Sabeco đút túi 25.000 tỷ, người giàu nhất VN ‘đánh rơi’ 1.500 tỷ


Mặc dù tăng mạnh về giá nhưng cổ phiếu SAB lại giao dịch èo uột. Số lượng cổ phiếu được trao tay rất khiêm tốn, chỉ lần lượt đạt 3.000 đơn vị, 30 đơn vị và 1.000 đơn vị trong các ngày 6/12, 7/12 và 8/12. Nguyên nhân là do không cổ đông nào muốn bán ra trong khi dư mua ở mức giá trần SAB luôn đạt hàng triệu đơn vị.

Mặc dù SAB đang “nóng” nhưng nhà đầu tư vẫn chưa quên một số vấn đề mà “anh cả” ngành bia đang gặp phải. Đó là những khoản đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả. Và mới đây nhất, Kiểm toán Nhà nước công bố sẽ kiểm toán Sabeco.

Cụ thể, trong 2017, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước của 31 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Sabeco cũng là một trong danh sách các ông lớn nằm trong tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước.

Theo cơ quan kiểm toán, nhằm đánh giá thực trạng công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán nhà nước sẽ tập trung kiểm toán tình hình cổ phần hóa, thoái vốn và việc sử dụng giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước để góp vốn đầu tư các dự án bất động sản của các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi cổ đông Sabeco hân hoan vì giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của mình tăng tới 36% chỉ sau 3 ngày thì ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC, người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến khối tài sản hao hụt nặng nề.

Trong phiên giao dịch 8/12, cổ phiếu ROS của công ty cổ phần Xây dựng Faros, đơn vị ông Quyết nắm giữ tới 65% giảm sâu. Chốt phiên, ROS giảm 5.700 đồng/CP xuống 111.200 đồng/CP. Trước đó, có thời điểm ROS rơi xuốn mức giá sàn. Đà giảm của ROS khiến giá trị cổ phiếu ROS do ông Quyết nắm giữ “bốc hơi” 1.593 tỷ đồng.

Thiệt hại của ông Quyết sẽ nặng nề hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu ROS do bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết nắm giữ. Hôm qua, tài sản của bà Diệp giảm 115 tỷ đồng. Dù vậy, bà Diệp vẫn vững vàng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tháng 12 có vẻ là tháng không may mắn của người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi ROS liên tục suy giảm. So với cuối tháng 11, ROS đã giảm 13.800 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Quyết đã “đánh rơi” 3.858 tỷ đồng chỉ sau 8 ngày đầu tiên của tháng 12.

Hôm qua, không chỉ SAB, ROS có biến động mạnh, cổ phiếu STB của ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng bất ngờ “dậy sóng”. Sau suốt thời gian dài im hơi lặng tiếng và rơi xuống dưới mệnh giá, STB bất ngờ tăng trần.

Chốt phiên 8/12, STB tăng 510 đồng/CP lên 7.910 đồng/CP. Nhờ STB, tài sản của ông Trầm Trọng Ngân, con trai đại gia ngân hàng Trầm Bê tăng 45 tỷ đồng. Hiện, cổ đông lớn nhất tại Sacombank nắm giữ khối tài sản trị giá 705 tỷ đồng.

Cổ phiếu STB giảm quá mạnh suốt thời gian dài qua nên ông Trầm Trọng Ngân ngày càng lùi sâu trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tác giả bài viết: Bảo Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP