Kinh tế

Châu Âu chính thức tăng thuế với xe điện Trung Quốc

Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ khi liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua việc áp thuế lên tới 45,3% đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc.

Các mẫu xe điện do Trung Quốc sản xuất đang chờ được vận chuyển đến châu Âu tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: Xinhua.


Hơn một năm sau khi EU khởi động cuộc điều tra về xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Ủy ban Châu Âu (EC) - cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách thương mại EU - đã quyết định áp thuế bổ sung với xe điện Trung Quốc.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các hãng xe châu Âu đang gặp nhiều khó khăn trước làn sóng xe điện giá rẻ từ Trung Quốc và căng thẳng thương mại leo thang.

Ngày 30/10, quyết định áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, chính thức có hiệu lực, chỉ 1 ngày sau khi EU công bố quyết định sau khi các cuộc đàm phán với Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận, theo Reuters.

EU đã đặt ra mức thuế bổ sung từ 7,8% đến 35,3% đối với các nhà sản xuất ôtô tại Trung Quốc, tùy thuộc vào mức độ hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp của châu Âu. Mức thuế mới này sẽ được kết hợp với mức thuế nhập khẩu hiện hành 10%, khiến một số nhà sản xuất ôtô Trung Quốc phải đối mặt với tổng mức thuế lên tới 45,3%.

Cụ thể, thuế suất với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17%với xe của BYD; 18,8% với xe của Geely và 35,3% đối với xe của SAIC. Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo, trong khi SAIC sở hữu MG, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.

Theo Ủy ban Châu Âu (EC) việc áp thuế là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp xe điện châu Âu trước sự cạnh tranh không công bằng từ xe điện giá rẻ của Trung Quốc bao gồm ưu đãi tài chính, cấp đất, pin và nguyên liệu thô dưới giá trị trường. EC cho biết, năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc ước đạt 3 triệu xe EV mỗi năm, gấp đôi quy mô thị trường EU.

Trong bối cảnh Mỹ và Canada áp thuế 100% đối với xe điện từ Trung Quốc, thì rõ ràng châu Âu trở thành thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất.

Theo giới phân tích, quyết định của giới chức châu Âu chắc chắn sẽ khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn gia tăng.

Trước động thái của EU, trong tuyên bố vào thứ Tư, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo rằng Trung Quốc không đồng ý hoặc chấp nhận quyết định của Liên minh châu Âu về việc áp dụng mức thuế bổ sung đối với xe điện được sản xuất tại nước này, đồng thời cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các công ty trong nước.

Theo đó, Trung Quốc sẽ đệ đơn khiếu nại theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

China Daily dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết phía Trung Quốc nhiều lần chỉ ra cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện Trung Quốc chứa nhiều khía cạnh bất hợp lý, trên thực tế sử dụng chiêu bài “cạnh tranh công bằng” để thực hiện các hoạt động bảo hộ “cạnh tranh không lành mạnh”.

Đồng thời, phía Trung Quốc cũng chú ý đến việc EU bày tỏ sẽ tiếp tục thương lượng với Trung Quốc về cam kết giá cả. Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và tham vấn.

Hiện tại, cả hai bên vẫn đang tiến hành thương lượng giai đoạn mới. Trong đó, Bắc Kinh kỳ vọng châu Âu có thái độ xây dựng và cùng thúc đẩy, tuân theo nguyên tắc “thực tiễn, cân bằng".

Bloomberg cho rằng Trung Quốc có thể áp dụng biện pháp trả đũa với hàng hóa châu Âu nhập khẩu vào nước này, bao gồm sữa, thịt heo và rượu mạnh, cũng như ôtô.

Các quan chức châu Âu cũng dự báo ​​Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa vào tháng tới và các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục thúc đẩy EU ký kết thỏa thuận sau khi các biện pháp này được đưa ra.

Đại diện các hãng xe lớn tại châu Âu hiện bày tỏ quan điểm phản đối thuế quan và kỳ vọng hai bên sẽ sớm tìm ra giải pháp thay thế. Các nhà sản xuất ôtô lớn của châu Âu là Mercedes-Benz Group AG và BMW AG trước đó đã vận động chính sách chống lại việc áp thuế này vì lo ngại tranh chấp sẽ gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng tại Trung Quốc vào thời điểm các hãng đều đang gặp khó khăn.

Ông Klaus Zellmer - Giám đốc điều hành hãng xe Skoda cho biết: “Chúng tôi phản đối thuế quan, vì sẽ không có ai được hưởng lợi từ điều đó. Biện pháp này sẽ dẫn tới những sự đáp trả thương mại”.

Hiện tại, EC và Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tiếp tục tổ chức thêm các cuộc đàm phán để tìm kiếm các giải pháp thay thế giải pháp thuế quan. Hai bên đang xem xét khả năng các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đưa ra những cam kết về giá bán tối thiểu, hoặc thực hiện các khoản đầu tư vào châu Âu như một giải pháp thay thế.

Tác giả: Phương Linh

Nguồn tin: znews.vn

  Từ khóa: Châu Âu , xe điện , trung quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP