Ngày đầu tiên đi làm, 21/2 (tức mùng 6 âm lịch), buổi trưa, dân công sở, văn phòng đổ ra các quán ăn, quán nhậu. Nhiều nơi khách đặt kín bàn, phải từ chối bớt khách.
Gọi điện đặt bàn tại nhiều quán ăn quen, chị Tâm (làm tại một văn phòng ở hồ Đắc Di, Đống Đa) bị từ chối liên tục. Nhiều quán quen vẫn chưa mở hàng, treo biển đóng cửa tới tận mùng 8 âm lịch. Thế nên, các quán còn lại đông khách chưa từng thấy.
Ghi nhận của PV. VietNamNet trên phố Xã Đàn, các quán bún cá, bún riêu, lẩu,... đều đông nghịt người. Một quán lẩu nhỏ tại ngõ Nam Đồng, mặc dù tăng giá so với ngày thường, nhưng khách vẫn vào hỏi liên tục và phải từ chối bớt do quá đông. Trong khi món lẩu Thái đồ nhúng lèo tèo, ngao vẫn đầy sạn.
Ngày Tết, nhiều người lại thèm ăn bát bún riêu, bún ốc để giải ngấy. |
Ra Tết, ai cũng có cảm giác ngấy ngán thịt thà, bánh chưng, giò chả. Khi đó, nhiều người lại thèm được ăn bát bún riêu, bún ốc.
Vì thế, dù giá cả có tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày bình thường, nhưng các quán bún, phở... vỉa hè đều đông khách.
Điều đáng nói, dù “chém” với giá "cắt cổ" nhưng chất lượng lại không tương xứng, cộng với thái độ phục vụ của nhân viên không tốt khiến nhiều khách hàng bức xúc.
Chia sẻ trong các hội nhóm kín về ẩm thực trên mạng xã hội, rất nhiều thành viên than phiền về dịch vụ ăn uống những ngày Tết: vừa đắt đỏ, vừa không ngon miệng.
Mới đây, một thành viên sau khi đến ăn bún bò tại một quán ăn ở Bạch Mai (Hà Nội) đã chia sẻ: “Bát này cũng 50.000 đồng nhưng thịt bò thì thấy dai hơn đỉa, nước dùng thì như kiểu nước chần bún. Chụp ảnh lên thì ngon chứ ăn dở hết nói”.
Một thành viên khác cũng lên tiếng chia sẻ bức xúc sau khi đi ăn bún riêu tại Cầu Giấy (Hà Nội): “2 miếng đậu, 1 cục riêu to như ngón út, 50.000 đồng”.
Chị Đào Hạnh (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, sau khi đi ăn bún ốc ngày Tết ở Cầu Gỗ. "Bát bún ốc mình gọi gồm 3 con ốc, 3 miếng thịt bò, 2 miếng đậu, nửa miếng giò tai, vậy mà 90.000 đồng. Mình thắc mắc thì chủ quán nói bún ốc nhà anh ấy là gia truyền nấu ngon chứ không như hàng khác". Chị Hạnh còn kể trên báo, có khách Hàn Quốc vào ăn thì bị chủ quán "chém" 150.000 đồng/bát mà "không vớt được con ốc nào".
Bát bún bò có giá 50.000 đồng, đắt gấp đôi ngày thường như chất lượng lại rất dở. |
Tình trạng giá cả không đi kèm với chất lượng còn diễn ra ở nhiều hàng quán khác trên địa bàn Hà Nội. Báo Dân Trí thông tin, các quán bún riêu, ốc, sườn sụn có cả bò, giò, đậu với giá 60.000 đồng trên Hàng Buồm, Hòe Nhai cũng bị rất nhiều người phản ánh giá đắt, nhưng lại nhạt nhẽo, lèo tèo vài ba miếng thịt. 3 bát phở toàn mỡ còn có giá 210.000 đồng tại phố Hàng Cân, Hàng Giấy cũng khiến thực khách không khỏi giật mình.
Không chỉ bị "chặt chém", nhiều thực khách còn cảm thấy bức xúc vì thái độ phục vụ của chủ quán hoặc nhân viên các quán bún, phở... vỉa hè trong dịp Tết.
Chị Bùi Hoa (Hà Nội) tỏ ra không hài lòng về thái độ của người phục vụ tại một quán bún hải sản ở phố Ngũ Xã (quận Tây Hồ, Hà Nội). “Chửi bậy, mắng cả khách, sồn sồn chửi người khác trong khi cả nhà họ đang ăn uống. Có người mắng hết khách rồi chửi người làm. Thôi thì đành ăn vì chắc quán quá đông khách nên họ mới như thế. Đến khi ăn uống thì ăn trúng 2 con bề bề màu xanh lá cây, đắng, mùi hoá chất sộc lên. Tôm để lâu, cá thì bở bùng bục, không được tươi ngon như mọi khi. Đồ ăn đã không ngon lại nghe cái giọng chan chát chửi bới, thề sẽ không quay lại quán lần nữa!”, chị Hoa kể trên Emdep.
50.000 đồng một bát bún cực dở, khiến dân mạng bức xúc. |
Chị Phạm Hằng, một khách hàng cũng đi ăn ở quán này vào ngày mùng 2, phàn nàn, chị thực sự không ưng kiểu “mặt sưng lên như ai thiếu nợ, ăn nói cộc lốc” của người bán. Chưa kể, đồ ăn nhạt nhẽo như chỉ “chạy qua hàng ốc”.
Những thông tin này sau khi được đăng tải đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Có ý kiến cho rằng, các thực khách nên cảm ơn hàng quán mở bán sớm trong dịp Tết để họ “có cái mà ăn”, vì nhân viên các hàng quán này đã gạt cơ hội chúc Tết, du xuân, sum vầy bên mâm cơm gia đình để phục vụ các thượng đế.
Nhưng phần lớn ý kiến cho rằng nếu đã xác định bán hàng dịp Tết thì phải làm ăn đàng hoàng. Kiểu chặt chém khách như thế khó lòng mà tồn tại lâu dài. Một số ý kiến còn yêu cầu mọi người tẩy chay những quán ăn này.
Nhiều người khác lại chấp nhận giá tăng ngày Tết vì cho rằng giá nguyên liệu đầu vào, thuê nhân viên ngày Tết cũng cao hơn, nhưng chất lượng món ăn vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn tin: Báo VietNamNet