Ông Nguyễn Xuân Hòa sẽ đại diện phần vốn PVN tại Đạm Phú Mỹ. Ảnh: DPM |
Cụ thể, nhằm kiện toàn các chức danh lãnh đạo cao cấp của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã điều động ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVI tham gia ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ Đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy Đạm Phú Mỹ. Đồng thời, ông Hòa cũng được ủy quyền quản lý phần vốn góp của PVN tại Đạm Phú Mỹ. PVN đang sở hữu gần 60% vốn tổng công ty.
Từ ngày công bố thông tin miễn nhiệm cho đến khi được ĐHĐCĐ phê chuẩn vào ngày 21/3, ông Nguyễn Xuân Hòa vẫn tiếp tục đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc PVI.
Theo tạp chí Nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Hòa sinh ngày 1/7/1972, quê quán tại Hải Dương. Ông có trình độ Cử nhân Tài chính Kế toán, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh; lý luận chính trị và quản trị doanh nghiệp ở bậc cao cấp.
Ông công tác trong ngành dầu khí Việt Nam từ năm 1994, bắt đầu công việc tại PV Gas. Lãnh đạo PVI đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Phó Tổng giám đốc kiêm Uỷ viên HĐTV PV Gas, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PV Power, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tại PVI, từ ngày 29/3/2019 đến ngày 16/1/2020, ông Hòa nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Từ 2020, ông làm Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT và bắt đầu kiêm vị trí Tổng giám đốc từ năm 2021 tới nay.
Tổng giám đốc cũng là người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVI. Cơ cấu cổ đông công ty gồm PVN sở hữu gần 82 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ nắm giữ 35%; 2 tổ chức nước ngoài HDI Global SE và Funderburk Lighthouse Limited lần lượt sở hữu 38,89% và 12,61%.
PVI Holdings hoạt động theo mô hình mẹ - con trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và quản lý tài sản. Ông Hòa được đánh giá là có đóng góp lớn cho sự phát triển của toàn hệ thống PVI. Ông đã chỉ đạo sát sao toàn hệ thống tăng cường công tác quản trị rủi ro, kiểm soát tốt chi phí đồng thời triển khai các hoạt động về tái cấu trúc, quản trị công ty và hoàn thiện mô hình kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong năm 5 (2019 - 2023), dù trải qua dịch bệnh và kinh tế khó khăn, PVI vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng. Cụ thể, toàn hệ thống PVI ghi nhận tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất cùng tăng 10%, ROE gần 12%. Đặt biệt, công ty duy trì được tỷ lệ chi trả cổ tức trung bình 29,2%.
Riêng năm 2023, doanh thu thuần của PVI đạt 6.709 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận sau trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 15%, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tác giả: Vân Anh (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn