Ông Yevgeniy Viktorovich Prigozhin (Ảnh: Getty) |
Ông Prigozhin sinh năm 1961 tại Leningrad và hiện cư trú ở St. Petersburg. Ông tôt nghiệp một trường thể thao năm 1977 và trở thành một vận động viên trượt tuyết. Tuy nhiên, sự nghiệp làm vận động viên trượt tuyết của ông đổ vỡ từ năm 1981 sau khi bị kết án 12 năm tù vì cáo buộc gian lận và một số tội danh khác.
Ông Prigozhin được phóng thích sớm vào năm 1990. Sau thời gian này, ông có thời gian ngắn trở lại với sự nghiệp truyệt tuyết với công việc của một huấn luyện viên tại một trường thể dục thể thao ở Leningrad. Năm 1990, ông cũng theo học Học viện Y dược Leningrad và sau đó là Học viện Y dược Saint Petersberg nhưng bị đình chỉ sau đó.
Đến những năm 1990, người đàn ông này mở một quán cà phê - đồ ăn nhanh và tiếp đó là chuỗi cửa hàng thực thẩm và nhà hàng hạng sang ở St. Petersburg và Moscow. Thực khách của nhà hàng Prigozhin bao gồm nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin từng mời cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac và cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush ăn tối tại một trong các nhà hàng của ông Prigozhin.
Có thể là chính là lý do khiến ông Prigozhin được đặt biệt danh là “đầu bếp của Putin”.
Sự nghiệp của Prigozhin đạt đến đỉnh cao vào năm 2012 khi công ty của ông ký được hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các trường học ở thủ đô Moscow Ông Prigozhin được cho là người rất rành việc dùng mạng xã hội để lèo lái dư luận. Bị phụ huynh học sinh chỉ về chất lượng, Ông Prigozhin nhanh chóng mở chiến dịch "phản công" và chỉ vài phút sau các trang mạng đều ngập tràn những lời khen ngợi dành cho công ty của Prigozhin.
Nhờ mối quan hệ với Bộ Quốc phòng Nga, công ty của ông cũng ký được hợp đồng 2 năm trị giá 1,6 tỷ USD cung cấp thực phẩm cho binh sĩ Nga. Ông cũng lập ra một công ty có tên Wagner Group chuyên cung cấp binh sĩ tư nhân tham gia các chiến dịch quân sự ở nhiều nơi trên thế giới.
Tầm ảnh hưởng của ông Prigozhin còn mở rộng đến lĩnh vực dầu khí. Các công ty của ông Prigozhin được cho là hưởng phần trăm doanh thu dầu khí từ Syria để đổi lại việc bảo vệ các giếng dầu của Syria khỏi phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo cáo buộc mà phía Mỹ đưa ra mới đây, ông Prigozhin và những người thân cận được cho là cung cấp nguồn tài trợ lớn cho cơ quan nghiên cứu Internet Research Agency (IRA), một tổ chức có trụ sở tại St. Petersburg (Nga). IRA bị cáo buộc sử dụng các bài viết đăng tải trên truyền thông xã hội cũng như quảng cáo giả mạo tên người Mỹ để gây ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này. Ngày 19/2, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định không có dấu hiệu cho thấy Chính phủ Nga can thiệp vào Mỹ, sau khi Washington chính thức buộc tội 13 công dân Nga âm mưu gây ảnh hưởng tới các cử tri.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng những cáo buộc của Washington về việc công dân Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ là "hoàn toàn lố bịch".
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí