Thế giới

Chân dung nữ Giám đốc CIA đầu tiên

Với tỷ lệ 54 phiếu thuận và 45 phiếu chống trên tổng số 100 phiếu tại Thượng viện, bà Gina Haspel giành được đủ số phiếu để được đảm nhận vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 17-5, kế nhiệm ông Mike Pompeo.

Chân dung bà Gina Haspel. Ảnh Reuters

Trước đây, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử bà Gina Haspel hồi tháng 3-2018 từng vướng phải nhiều ý kiến trái chiều, không chỉ bởi nó được đưa ra trong bối cảnh ông Trump vừa sa thải cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson qua một dòng Tweet, bổ nhiệm nguyên giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế, mà còn bởi những bê bối trong lịch sử liên quan đến quá trình bà Haspel đảm nhiệm vai trò người đứng đầu nhà tù của Mỹ ở nước ngoài.

Sinh ngày 1-10-1956 (năm nay 62 tuổi), bà Gina Haspel bắt đầu sự nghiệp tình báo của mình từ năm 1985, khi 29 tuổi. Công việc đầu tiên của bà Haspel là một vị trí ở chi nhánh CIA tại Trung Âu. Trong hơn 30 năm trong nghiệp tình báo, nữ điệp viên này từng có nhiều năm làm việc tại các cơ sở bên ngoài nước Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á. Sau vụ khủng bố 11-9, bà Gina Haspel được cử đến Thái Lan để giám sát một nhà tù bí mật, nơi giam giữ các phần tử khủng bố mà CIA không công khai vào năm 2002.

Trong một số tài liệu bị tiết lộ sau này, nhà tù mang tên “Mắt mèo” tại Thái Lan được cho là đã sử dụng nhiều biện pháp để tra khảo phạm nhân, trong đó có cả hành động bị coi là tra tấn đối với tù nhân trong thời gian bà Haspel điều hành. Theo New Yorker, trong thời gian bà Haspel quản lý nhà tù ở Thái Lan, một trong số các nghi phạm khủng bố bị giam giữ là Abu Zubaydah người được cho là “bị tra tấn tàn nhẫn tới mức dường như đã thiệt mạng”.

Các đặc vụ CIA bị cáo buộc đã “ngạt nước” Zubaydah 83 lần, thậm chí còn ném nghi phạm này vào tường nhiều lần. Một nghi phạm khác là Abd al Rahim al-Nashiri cũng từng bị “ngạt nước” vào năm 2002 và đang bị giam giữ tại nhà tù khét tiếng Guantanamo Bay ở Cuba.

Trước khi vụ bê bối tra tấn tù nhân tại nhà tù ở Thái Lan vỡ lở, bà Haspel được đánh giá là ngôi sao đang lên của ngành tình báo Mỹ. Năm 2006, bà nhận huân chương từ Tổng thống George W. Bush vì những hoạt động tích cực trong sự nghiệp chống khủng bố. Theo Washington Post, bà Haspel được đề cử vào vị trí giám đốc Sở Mật vụ quốc gia Mỹ vào năm 2013, và thực tế đã giữ vị trí tạm quyền chức vụ này trong 2 tháng.

Tuy nhiên, nữ đặc vụ đã không được chính thức bổ nhiệm do các bê bối liên quan tới cáo buộc tra tấn tù nhân tại nhà tù ở Thái Lan năm 2002. Theo BBC, vào năm 2005, bà Haspel được cho là đã ra lệnh tiêu hủy 92 băng video ghi lại cảnh “thẩm vấn” ông al-Nashiri và một nghi phạm khác, Abu Zubaydah. Theo báo cáo của Thượng viện năm 2014, dường như có khoảng 119 người đã bị áp dụng những biện pháp tra tấn như vậy.

Mặc dù các “nhà tù đen” (black site) của CIA bị đóng cửa, song sự trở lại của bà Haspel trong vai trò Phó Giám đốc CIA hồi năm ngoái và nay Giám đốc CIA đã đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng chương trình gây tranh cãi của CIA có thể được hồi sinh.

Điều đáng nói là đương kim Tổng thống Donald Trump cũng từng tuyên bố rằng ông ủng hộ việc áp dụng trở lại các biện pháp tra khảo đối với các nghi phạm khủng bố. Tuy vậy, trong phiên điều trần mới đây, bà Haspel khẳng định sẽ không khởi động lại kế hoạch thẩm vấn bằng tra tấn sau khi nhậm chức, nhưng bà từ chối đánh giá kế hoạch này trên cơ sở tiêu chuẩn đạo đức.

Bê bối liên quan đến tra tấn tại các nhà tù mà bà từng kinh qua trở thành một “vết đen” theo đúng nghĩa của nó trong sự nghiệp của bà. Đầu tháng 5 vừa qua, bà Gina đã thông báo với Nhà Trắng ý định rút khỏi cương vị bà được Tổng thống Trump đề cử nếu điều đó giúp bà tránh được phiên điều trần phê chuẩn chức vụ Giám đốc CIA tại Ủy ban Tình báo Thượng viện diễn ra vào ngày 9-5 do lo ngại phiên điều trần có thể làm tổn hại đến danh tiếng của CIA.

Hai quan chức Nhà Trắng là Giám đốc các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng Marc Short và Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders sau đó vội vàng đến Langley để thảo luận thêm trong nhiều giờ đồng hồ nhưng cũng không thể thuyết phục bà Haspel thay đổi quyết định. Đến chiều 6-5, Nhà Trắng mới lên tiếng đảm bảo rằng bà Haspel sẽ không rút lui.

Cho đến trước năm 2017, bà Haspel đã trải qua các chức vụ như Phó Giám đốc Cục tình báo bí mật quốc gia, Phó Giám đốc Cục này phụ trách tình báo đối ngoại và hoạt động bí mật, sau đó là Thư ký trưởng cho Giám đốc Cục Tình báo bí mật quốc gia.

Tháng 2-2017, bà Haspel được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc CIA, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này, vượt qua định kiến kỳ thị nữ giới trong hệ thống chức vụ ở CIA cũng như nhiều cơ quan tình báo, an ninh khác của Mỹ. Bà Haspel nhận được sự kính trọng rộng rãi trong các đồng nghiệp cùng cơ quan, đồng thời bà nhận được sự giúp rất lớn từ Tổng thống Trump và Giám đốc CIA Mike Pompeo, nhờ đó việc bổ nhiệm bà làm Phó Giám đốc và giờ là Giám đốc CIA, dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng vẫn được chấp thuận.

Dù con đường phía trước của bà Gina Haspel trên cương vị người đứng đầu CIA được cho là sẽ gặp phải nhiều chông gai, tuy vậy, “bông hồng thép” của ngành tình báo Mỹ vẫn đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Phó Giám đốc và nay là Giám đốc CIA, xóa bỏ định kiến về giới trong ngành an ninh và tình báo Mỹ.

Tác giả: Duy Tiến

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: Giám đốc CIA , chân dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP