Trung tâm thương mại Rộ, thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương hoàn thành sáu năm nay nhưng vẫn bỏ hoang.
Trước đây, hình ảnh về chợ Giát, huyện Quỳnh Lưu là sự nhếch nhác, lộn xộn, nhiều tiểu thương kinh doanh tràn cả ra đường buôn bán. Từ năm 2009, thực hiện xã hội hóa, chợ được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp quản lý, được đầu tư xây dựng hai tầng khang trang và đã thu hút hơn 820 hộ vào kinh doanh. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Sơn Hà cho biết: Trước đây, chợ Giát đóng góp ngân sách địa phương chỉ gần một tỷ đồng/năm, nhưng sau khi chuyển đổi, vài năm gần đây tăng lên 30 đến 40%. Do doanh nghiệp quản lý cho nên cơ sở hạ tầng, công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ,...
Tại Nghệ An, TP Vinh là địa phương đi đầu trong thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ khi có 12 trong số 29 chợ trên địa bàn đã được chuyển đổi. Chợ nông sản phía tây chợ Vinh được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, đi vào hoạt động hơn một năm nay đã trở thành chợ đầu mối thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Từ khi sắp xếp lại, chợ đã giải quyết địa điểm kinh doanh cho gần 500 hộ tiểu thương có địa điểm kinh doanh ổn định, giải quyết được tình trạng buôn bán hàng hóa tràn lan khu vực đường Hồng Sơn và trước cổng chợ Vinh, tạo mỹ quan đô thị, trật tự, an toàn giao thông.
Chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ được coi là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và phù hợp với xu thế phát triển thương mại văn minh. Tuy nhiên, Nghệ An sau hơn chín năm thực hiện chủ trương chuyển đổi, công tác này vẫn tồn tại nhiều bất cập. Theo đánh giá, Nghệ An vẫn là một trong những địa phương thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ chậm nhất trong cả nước. Thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ năm 2007, đến nay chỉ có 16 trong số 405 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý, trong đó có bảy chợ do hợp tác xã (HTX) quản lý và chín chợ do doanh nghiệp quản lý, chiếm 4% tổng số chợ đang hoạt động trên địa bàn. Vì thế, việc khoán thu vẫn còn thiếu thống nhất, gây thất thoát ngân sách. Người được giao khoán, nhận khoán quản lý chưa quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ. Do vậy, cơ sở vật chất của chợ ngày càng xuống cấp, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm.
Thực trạng chung của nhiều HTX quản lý chợ là số lượng xã viên còn ít, chưa phát triển được nhiều xã viên trong số thương nhân kinh doanh tại chợ cho nên vốn huy động thấp và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Đơn cử như chợ Phong Toàn (TP Vinh) tuy nằm ở vị trí khá thuận lợi, được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, xây dựng hai tầng khang trang, do HTX quản lý nhưng đến nay mới có 160 hộ kinh doanh trong tổng số 400 quầy ki-ốt. Riêng tầng hai chợ vẫn chưa được sử dụng. Theo Trưởng phòng Kinh tế TP Vinh Trần Quang Lâm, với hình thức chuyển đổi từ chợ truyền thống sang chợ do HTX quản lý vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có ba chợ truyền thống đang hoạt động gồm chợ Bến Thủy, Kênh Bắc, Cửa Bắc được chuyển sang HTX quản lý. Thế nhưng, khi vận động thành lập HTX, hầu hết các tiểu thương vốn ít, cho nên chỉ có một số hộ đóng góp vốn và trở thành thành viên của HTX. Số hộ không phải thành viên HTX luôn lo lắng sợ mất địa điểm kinh doanh, dẫn đến mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, một số chợ được doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả như mong muốn đành bỏ hoang, lãng phí nguồn ngân sách lớn. Đơn cử, Trung tâm thương mại Rộ thuộc xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương) được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhằm thay thế chợ cũ đã bị xuống cấp, nhưng dù đã khai trương hơn sáu năm, trung tâm thương mại này vẫn “án binh bất động”. Chủ tịch UBND xã Võ Liệt Trần Văn Kỳ cho biết, người dân không mặn mà với trung tâm thương mại mới, do họ và tiểu thương đã có thói quen kinh doanh ở chợ cũ ngay sát cầu Rộ. Mặt khác, việc thiết kế các ki-ốt trong chợ quá nhỏ, phí chợ cao hơn, vị trí không thuận tiện...
Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Võ Thị An nhận định, việc còn nhiều vướng mắc trong thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiện nay là chưa nhận được sự đồng tình cao của UBND các xã, phường, ban quản lý chợ; các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư xây dựng chợ. Mặt khác, quy trình, thủ tục chuyển đổi mô hình quản lý chợ được UBND tỉnh ban hành, trong đó có quy chế đấu thầu cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư, quản lý, khai thác chợ không còn phù hợp thực tế. Để tạo hành lang cho công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, Sở Công thương đang trình Tỉnh ủy “Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn Nghệ An”. Theo đó, tùy thời điểm, các địa phương sẽ lựa chọn chợ cần chuyển đổi và xây dựng lộ trình cụ thể. Sau khi UBND tỉnh ban hành quy định, sẽ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi chợ.
Mới đây, thực hiện Quyết định 1756/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công thương đã xây dựng dự thảo “Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn Nghệ An”. Trong đó, quy định về quy trình chuyển đổi mô hình chợ từ ban, tổ, xã, phường, thị trấn, tư nhân quản lý chợ sang mô hình kinh doanh (thành lập theo Luật Doanh nghiệp), HTX (thành lập theo Luật HTX) kinh doanh khai thác và quản lý chợ. Mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành chuyển 50% số chợ trên địa bàn tỉnh sang mô hình doanh nghiệp HTX khai thác, kinh doanh và quản lý chợ. Trong đó, 100% số chợ đầu mối, chợ hạng 1, hạng 2, chợ tại các phường, chợ tại trung tâm thị trấn các huyện thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, HTX khai thác, kinh doanh và quản lý chợ.
Tác giả bài viết: Ngân Phạm
Nguồn tin: Báo Nhân Dân
Nguồn tin: Báo Nhân Dân