Trong nước

Câu trả lời sắc bén của Bác Hồ trước câu hỏi của Stalin

“Tư tưởng lớn nhất, tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh về ngoại giao, theo tôi, chính là coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc.” – PGS.TS Vũ Dương Huân.

LTS: Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Bác Hồ, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Dương Huân, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao, về ngoại giao Hồ Chí Minh.

Nhà báo Huỳnh Phan: Có một số người đã tổng kết về nền ngoại giao Hồ Chí Minh, chẳng hạn, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên đã viết một hẳn cuốn sách. Được biết, đây cũng là vấn đề ông đã dành nhiều năm nghiên cứu?

PGS Vũ Dương Huân: Tôi là người đầu tiên viết về “trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế năm 2009. Những người cùng chí hướng, cùng tư tưởng, và cùng phương pháp luận về ngoại giao Việt Nam đã hình thành nên trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.

Có 3 tiêu chí để tạo nên trường phái ngoại giao: một là phải có cơ sở lý luận ngoại giao vững chắc, thứ hai là phải có kinh nghiệm ngoại giao đã được thực tế kiểm nghiệm, và thứ ba là phải có bản sắc ngoại giao của riêng mình.

Cơ sở lý luận của ngoại giao Hồ Chí Minh gồm các nhân tố: Một là truyền thống văn hóa Việt Nam, hai là tinh hoa ngoại giao của cha ông, thứ ba là tinh hoa văn hóa Đông - Tây, và thứ tư là học thuyết Marx-Lenin.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12.1920. Ảnh tư liệu/ Báo Thanh niên

Xin ông giải thích rõ thêm?

Ví dụ, Lý Thường Kiệt, năm 1077, sau khi đẩy quân Tống qua khỏi sông Như Nguyệt (nay là sông Cầu), ông lại giảng hòa để đẩy quân Tống về nước mà không tốn hòn tên, mũi đạn nào.

Hay Nguyễn Trãi, khi ông vây thành Đông Quan, trong đó có 10 vạn quân địch, nếu tiến hành bằng biện pháp quân sự sẽ thiệt hại rất lớn. Ông đã viết hàng loạt bức thư chiêu hàng các tướng lĩnh của Vương Thông, buộc Vương Thông phải chấp nhận hội thề ở Bồ Đề, và rút 10 vạn quân về nước.

Kinh nghiệm ngoại giao của Nguyễn Trãi được gọi là ngoại giao tâm công, và được coi là truyền thống ngoại giao quý báu của Việt Nam.

Tinh hoa văn hóa Đông - Tây cũng là một nguồn để tạo nên trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Bác đã đi 42 nước trên thế giới, tiếp xúc với rất nhiều dân tộc, nền văn hóa, gặp gỡ từ lãnh đạo cấp cao tới người dân bình thường.

Bác tận dụng được những cái hay của văn minh văn hóa Đông – Tây. Ví dụ, khi đi Pháp, Bác tranh thủ tinh thần bình đẳng - bác ái của Pháp, sang Trung Quốc, Bác học tư tưởng của Tôn Dật Tiên, sang Nga, Bác học được duy vật biện chứng của học thuyết Marx – Lenin… Tất cả những điều đó đã hình thành tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Bác.

“Ngoại giao làm cái gì cũng vì lợi ích dân tộc”

Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm những thành tố nào?

Tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật. Trong đó tư tưởng là hạt nhân và tôi sẽ phân tích thành tố này trước.

Tư tưởng lớn nhất, tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh về ngoại giao, theo tôi, chính là coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc. Hay nói như trong Văn kiện của Đại hội XI là “lợi ích quốc gia dân tộc vừa là mục tiêu cao nhất vừa là nguyên tắc cao nhất của chính sách đối ngoại của Việt Nam”. Năm 1964, trong lần nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba, Bác nói rằng “ngoại giao làm cái gì cũng vì lợi ích dân tộc”.

Thứ hai là tư tưởng “độc lập dân tộc gắn với CNXH”, nghĩa là mục tiêu của Bác là ngoại giao phải hướng tới độc lập dân tộc, phải gắn với CNXH để đưa dân tộc mình lên cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Thứ ba là tư tưởng hữu nghị, hòa hiếu với các dân tộc, mà trước hết các nước lớn và các nước láng giềng có chung biên giới.

Ví dụ?

Hồ Chí Minh rất coi trọng các nước lớn. Trong giai đoạn thù trong giặc ngoài 1945-1946 chẳng hạn, Việt Nam phải ứng xử với toàn bộ các nước lớn, như Pháp, Trung hoa Dân quốc, Anh, Liên Xô và Mỹ. Bác rất coi trọng những nước dân chủ như Mỹ, còn đối với Tưởng láng giềng Bác lại tranh thủ. Bác muốn Mỹ, Liên Xô và Tưởng công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bác hoạt động rất nỗ lực, hăng hái về ngoại giao, chẳng hạn Bác đã 8 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ Truman, lần gửi thư cho Tổng Bí thư ĐCS Liên xô Stalin, nhưng cả Truman và Stalin đều không trả lời. Và trong giai đoạn 45-50 không có nước lớn nào công nhận Việt Nam, chủ yếu do vấn đề lợi ích.

Mỹ không chấp nhận Hồ Chí Minh, vì thừa biết Bác là người của Quốc tế Cộng sản. Mỹ từ năm 1947 đã không hợp tác với Liên Xô nữa, và bắt đầu “chiến tranh lạnh”. Vì chống lại CNXH nên không thế chấp nhận Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Liên Xô năm 1955. Ảnh tư liệu/ Báo Nghệ An

Còn tại sao Liên Xô không trả lời, và không công nhận Việt Nam DCCH? Lúc ấy, trọng tâm của Liên Xô là Đông Âu và khôi phục Liên Xô sau chiến tranh, chứ không phải vươn tới những vùng xa xôi như Việt Nam. Hơn nữa, lúc ấy Mỹ đã bắt đầu khởi động “chiến tranh lạnh’’ và lập khối phòng thủ châu Âu chống lại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Nếu muốn chống lại Mỹ và phương Tây, Liên Xô phải tranh thủ Pháp, nước có quan hệ từ xưa đến nay. Vướng lợi ích chiến lược đó, Liên Xô không thể công nhận Việt Nam dù Pháp là đối thủ của Việt Nam.

Nhưng ngoài lý do chiến lược đó, Liên Xô còn có lo lắng khác về Hồ Chí Minh, khi vẫn suy nghĩ Hồ Chí Minh không hẳn là người cộng sản mà là người dân tộc chủ nghĩa. Năm 1950, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông đang thăm Liên Xô để chuẩn bị ký hiệp ước hữu nghị hợp tác, Hồ Chí Minh đã sang Trung Quốc để từ đó qua Liên Xô. Bác đã gọi điện cho Mao Trạch Đông và đề nghị Mao sắp xếp cuộc gặp với Stalin ở Moscow. Stalin đã hỏi ngay Mao rằng liệu Hồ Chí Minh có phải là “Tito phương Đông’’ không (Nam Tư lúc đó vừa tách khỏi phe XHCN ở Đông Âu và Tito được coi là người theo chủ nghĩa dân tộc).

Nghe nói Bác Hồ sang Liên Xô bằng tàu hỏa, và khi đến Moscow đã đề nghị Stalin cấp cho một máy bay, bay một vòng quanh Moscow, và khi đáp xuống sân bay thì được phía Liên Xô đón, đúng không ạ?

Đúng. Khi Hồ Chí Minh đã sang Moscow, Liên Xô với Trung Quốc chuẩn bị ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác ngày 14/02/1950, và khi ký có mời Hồ Chí Minh tới dự. Hồ Chí Minh nói luôn với Stalin rằng “các đồng chí Liên Xô cũng nên ký với Việt Nam DCCH một hiệp ước tương tự như ký với Trung Quốc”.

Stalin đáp: “Sao các đồng chí phương Đông có nhiều cái suy nghĩ hay nhỉ? Các đồng chí thăm bí mật, bây giờ tự nhiên lại xuất hiện nhân vật Hồ Chí Minh, làm sao chúng tôi giải thích với thế giới đây?” Bác trả lời: “Có gì đâu, các đồng chí cho một chuyến máy bay bay lên trời xong lại hạ cánh xuống khu vực Moscow là xong thôi.” Stalin thấy lý luận của Hồ Chí Minh cũng sắc bén, không nói gì được nữa.

Thậm chí Stalin đã công nhận Việt Nam ngày 30/01/1950, nhưng đề nghị rằng “các đồng chí đừng thiết lập sứ quán sớm, vì nếu vậy, đại sứ Việt Nam sẽ kéo cờ chạy khắp Moscow, và đón tiếp các đoàn ngoại giao, việc đó sẽ kẹt đấy.” Việt Nam đến năm 1952 mới mở sứ quán là vì lý do đó.

Với các nước láng giềng có chung đường biên giới, Bác cũng rất coi trọng họ. Bởi họ hàng ngày sống với ta và có nhiều vấn đề nhất, hay dở cũng liên quan tới láng giềng, ổn định hay không cũng liên quan tới láng giềng. Lào và Campuchia rất được Bác coi trọng.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến”

Về phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh, ông có thể nói những gì ấn tượng nhất?

Theo tôi nghĩ có 3 khía cạnh nổi bật thuộc phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh. Một là dự báo và nắm bắt (tranh thủ) thời cơ, hai là ngoại giao tâm công (vừa là tư tưởng vừa là phương pháp), và ba là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Ví dụ, Bác dự đoán Chiến tranh Thế giới thứ hai sẽ kết thúc sớm, và đó chính là thời cơ chúng ta giành được độc lập. Chính vì vậy, dù đang nằm ốm ở Nà Lừa, Bác đã chỉ đạo Đại tướng Võ Nguyên Giáp với câu nói nổi tiếng “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do”.

Hay Bác cũng linh hoạt, uyển chuyển trong tên gọi. Ví dụ ở trên Việt Bắc thành lập Ủy ban Giải phóng, nhưng về tới Hà Nội thì chuyển ngay thành Chính phủ Lâm thời. Bởi chính phủ mới có ý nghĩa chính thức, còn ủy ban chưa thể hiện được thể chế nhà nước. Lập xong chính phủ rồi, nhưng chính phủ đó phải đại diện cho rộng rãi các tầng lớp nhân dân và xu hướng chính trị, nên Bác cho rút các bộ trưởng cộng sản ra và để cho các thành phần khác tham gia.

Hay thấy rằng chính phủ cần hợp hiến, hợp pháp trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, Bác cho tổ chức tổng tuyển cử để bầu quốc hội hợp hiến. Bước tiếp theo là soạn Hiến pháp, cơ sở để hình thành thể chế dân chủ, vì có dân chủ Việt Nam mới nói chuyện được với nước ngoài, mới có thể được các nước công nhận.

Tất cả các thời cơ đều được Bác tính đến.

Về ngoại giao tâm công, ví dụ trong chuyến đi Pháp năm 1946, Bác đã gặp hàng chục tướng Pháp và các nhà hoạch định chính sách của họ để giải thích cho họ hiểu hơn về Việt Nam, góp phần xây dựng hòa hiếu giữa hai nước. Mặc dù chiến tranh vẫn xảy ra vào cuối năm, nhưng Bác đã giảm nhẹ được tính khốc liệt của nó, làm chia rẽ trong nội bộ nước Pháp.

Thời chống Mỹ cứu nước cũng thế, Bác kêu gọi chống những kẻ cầm quyền hiếu chiến ở Mỹ, chứ không chống nhân dân Mỹ. Điều này đã giúp Việt Nam hình thành được mặt trận nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam – một hiện tượng độc nhất vô nhị trên thế giới.

Phương pháp thứ ba của ngoại giao Hồ Chí Minh là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nghĩa là dùng những cái không thay đổi để ứng xử những cái thay đổi. Cái không thay đổi là mục tiêu của chiến lược, bao gồm độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…, cái thay đổi là các sách lược để đối phó với tình hình luôn thay đổi.

Phương pháp “dĩ bất biến ứng vạn biến” được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn 45-46, khi mà các sự kiện thay đổi hết sức nhanh chóng. Lúc đầu, Hồ Chí Minh hòa với quân Tưởng để tập trung chiến đấu với quân Pháp ở miền Nam. Nhưng 28/2/1946, Pháp với Tưởng thỏa hiệp với nhau sau lưng Việt Nam để chia sẻ lợi ích, nhất là Tưởng nhường Pháp giải giáp quân đội Nhật ở Bắc Đông Dương. Ngày 6/3/1946, Bác cho ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp để đẩy Tưởng ra khỏi Việt Nam.

Nhân nhượng có nguyên tắc

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh chắc có nhiều đặc sắc, bởi Bác nổi tiếng là người có cách ứng xử linh hoạt, tùy từng hoàn cảnh?

Đúng, người ta nói rất nhiều tới phong cách của ngoại giao Hồ Chí Minh. Ví dụ, phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, tức là không dựa vào ai hết. Đường lối của mình, chính sách của mình, tư duy độc lập sáng tạo, dựa vào tình hình Việt Nam là chính, chứ không nghe theo người khác, nhất là thời kỳ chống Mỹ.

Chẳng hạn, Liên Xô góp ý với Việt Nam rằng “các đồng chí không thể tiến hành khởi nghĩa vũ trang ngay được, vì một đốm lửa có thể biến thành chiến tranh thế giới”. Hay Trung Quốc nói “các đồng chí phải trường kỳ mai phục”. Việt Nam không nghe ai cả, Nghị quyết Trung ương 15 đã quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam, và đã thành công.

Hay Trung Quốc góp ý với Việt Nam rằng “các đồng chí không thể đàm phán với Mỹ sớm thế”, nhưng Hội nghị Trung ương 13, tháng 1/1967, đã quyết định Việt Nam vừa đánh vừa đàm phán. Đến năm 1968, khi Việt Nam có bước đầu thành công trong đàm phán với Mỹ, Mao Trạch Đông thừa nhận “các đồng chí giỏi quá, vừa đánh vừa đàm thành công”.

Thế còn nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh?

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất là nghệ thuật “ngũ tri” gồm biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến.

Thứ hai là nhân nhượng có nguyên tắc. Ví dụ, ký hiệp định sơ bộ 6/3/1946 chính là một ví dụ điển hình.

Bác Hồ,Chủ tịch Hồ Chí Minh,Stalin,Mao Trạch Đông,Liên Xô,Chiến tranh chống Pháp,Chiến tranh chống Mỹ
Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Sainteny, Pignon, Caput. Ảnh tư liệu: Nguyễn Bá Khoản/ VOV

Lúc đó, Việt Nam đàm phán với Pháp, Pháp đòi đưa Việt Nam trở lại chế độ thuộc địa như ngày xưa, với quyền tự chủ hơi rộng rãi hơn, nhưng Bác dứt khoát không chịu. Bác yêu cầu trở thành một nước độc lập, nhưng nằm trong Liên bang Đông Dương. Pháp cũng không chấp nhận.

Nếu đàm phán không thành công thì khó đuổi quân Tưởng về nước, và Bác đã linh hoạt nghĩ ra từ “quốc gia tự do”. Pháp đồng ý Việt Nam là quốc gia tự do, với chính phủ, quân đội và tài chính – những yếu tố chủ chốt của độc lập.

Khía cạnh thứ hai là phải đấu tranh rất gay go trong đàm phán Hiệp định sơ bộ là miền Nam. Pháp coi cho Nam Kỳ là đất của Pháp, vì nhà Nguyễn đã bán cho Pháp, thế nhưng Hồ Chí Minh bảo Nam Bộ là đất của người Việt Nam, là máu thịt của Việt Nam. Hai bên tranh cãi rất căng, tưởng như đổ vỡ hiệp định. Nhưng Bác vận dụng văn hóa của sự bình đẳng của Pháp, và đề nghị cho trưng cầu dân ý rồi mới quyết định. Mà trưng cầu dân ý thì Việt Nam chắc chắn thắng rồi. Cuối cùng Pháp cũng chấp nhận.

Khía cạnh thứ ba là khi đàm phán ký kết hiệp định 6/3, Hồ Chí Minh cũng có nhân nhượng có nguyên tắc. Đó là Bác chấp nhận 15.000 quân Pháp ra Bắc thay quân Tưởng để giải giáp quân đội Nhật. Nhưng Bác đưa ra điều kiện là Pháp phải giải trừ mỗi năm 3.000 quân, vậy 5 năm là hết, nghĩa là đặt ra một thời hạn.

Ngoài ra, trong nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là cách ứng xử khéo léo, vừa được việc của mình mà không mất lòng ai. Ví dụ, từ năm 1963 Liên Xô và Trung Quốc mâu thuẫn rất mạnh, vì Trung Quốc coi Liên Xô là xét lại. Trung Quốc gửi thư cho tất cả các Đảng Cộng sản, đề nghị không gửi thư chúc mừng nhân ngày sinh của TBT ĐCS Liên Xô Nikita Khrushchev. Việt Nam mà không gửi thư chúc mừng sinh nhật lần thứ 70 của Khrushchev thì mất lòng Liên Xô, mà gửi thư chúc mừng thì chọc giận Trung Quốc.

Cả Bộ ngoại giao Việt Nam nháo nhào lên, không biết xử lý ra sao, nhưng Hồ Chí Minh bảo “việc này cứ để Bác lo”. Đến sát ngày sinh của Khrushchev, Bác cho mời Đại sứ Liên Xô Sherbakov đến ăn cơm ở Phủ Chủ tịch. Trong lần nâng cốc đầu tiên, Bác chúc mừng “đồng chí Khrushchev, Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, tròn 70 tuổi”.

Đại sứ báo cáo về nước ngay, vài ngày sau Khrushchev gửi điện cảm ơn. Không cần phải đăng lời chúc mừng trên báo Nhân dân, như thông lệ, Bác vẫn giữ được quan hệ hữu nghị với Liên Xô, mà không làm mất lòng Trung Quốc.

Những chuyện như thế này kể biết bao giờ hết. Xin cảm ơn Giáo sư và xin phép chuyển sang đề tài khác.

(Còn nữa)

Tác giả: Huỳnh Phan (thực hiện)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP