Giáo dục

Câu hỏi Toán vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn ở Sài Gòn

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 9 tại TP.HCM có câu hỏi xuất phát từ tư duy Toán học.

Trong kỳ thi học sinh giỏi dành cho khối lớp 9 vừa qua của TP.HCM, đề thi môn Ngữ văn được đánh giá có cách ra đề mới lạ, khơi gợi tư duy người làm bài. Đặc biệt, câu 1 của đề thi tạo sự bất ngờ và thích thú đối với cả thí sinh và giáo viên.

Cụ thể, câu này yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của mình thông qua việc dẫn dắt thí sinh giải một câu đố Toán học.

Sau khi nêu một bài Toán, câu 1 (8 điểm) hỏi: "Cũng như vậy, trong cuộc sống, đôi khi chỉ cần thay đổi góc nhìn, ta sẽ khám phá ra bao điều thú vị. Em có đồng ý như vậy không? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em".

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm 2018 ở TP.HCM. Ảnh: Ái My.

Nhận xét về đề bài nghị luận xã hội, thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn, cho rằng đề hay và ý nghĩa, không chỉ tạo được bất ngờ cho học sinh làm bài mà còn tạo ra nhiều cảm xúc.

"Đề thi giúp các bạn vừa chiêm nghiệm triết lý với thông điệp nhân văn về việc nhìn cuộc sống và con người đa chiều. Cách đặt vấn đề cũng rất dễ thương chứ không khuôn mẫu, phù hợp tâm lý và nhận thức của một học sinh lớp 9", thầy Quỳnh phân tích.

Cô Nguyễn Ái Trà My, tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho hay cô rất bất ngờ khi cầm đề thi trên tay.

"Lúc đầu, nhìn vào đề với hình ảnh, con số và câu đố, tôi thật sự hơi hoảng, không biết dụng ý của đề là gì. Nhưng lật ngược hình ảnh lại, đúng là vấn đề khác hẳn", cô My chia sẻ.

Theo nữ giáo viên này, cách ra đề năm nay không quá mới nhưng cách đặt vấn đề, gợi mở lại rất lạ đối với học sinh. Với câu 1 của đề, các em sẽ có cơ hội nêu quan điểm cá nhân.

"Tôi đoán rằng người ra đề muốn lắng nghe những trải nghiệm trong thực tế của học sinh nhiều hơn. Đề thi này không có 'đất' cho những em chỉ học theo kiến thức trong sách vở hoặc những bài văn mẫu. Đồng thời, cách hỏi em có đồng tình hay không cũng khơi gợi được tư duy phản biện của học sinh", cô My phân tích.

Đồng ý với lý giải của cô My, thầy Trịnh Quỳnh cho rằng vấn đề mở tạo cơ hội cho học sinh thoải mái phân tích, bình luận. Nhưng đề thi cũng đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức thực tiễn. Vì thực tế trong cuộc sống, ít khi chúng ta đặt mình vào trường hợp của người khác để cảm nhận, đánh giá vấn đề. Nhiều người dễ dàng chỉ trích, phê phán ai đó, dù chỉ lắng nghe tiếp nhận một chiều.

Nhận xét về câu 2 - câu nghị luận văn học - cô Trà My cho rằng đề bài sẽ có nhiều "đất diễn" cho học sinh giỏi.

Câu 2 đòi hỏi học sinh có kiến thức lý luận văn học cơ bản, có cảm thụ tốt về tác phẩm văn học. Phần lý luận văn học không quá khó, phần cảm thụ tác phẩm cũng không gò bó, bắt buộc học sinh phân tích tác phẩm nào mà để các em tự chọn.

"Nhìn chung, đề thi gợi về những vấn đề gần gũi với học sinh, không còn là những kiến thức lý thuyết khô khan mà thực sự đưa môn Ngữ văn đi vào đời sống", nữ giáo viên nhận xét.

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP