Kinh tế

Câu hỏi của con trai và nỗi ám ảnh của mẹ khi đi chợ nấu cơm

Ngồi vào mâm cơm, chưa kịp mời mọi người dùng bữa, đứa con trai lên 8 tuổi của tôi đã đọc vanh vách “vàng ô này, kích phọt này, thạch cao này, mẹ đã đọc báo chưa mà mua?”. Nhìn con hồn nhiên còn tôi thêm ám ảnh với những thông tin thực phẩm bẩn bủa vây mỗi ngày.

Bạn học của bố vừa mất hôm kia vì ung thư gan”, “cả nhà vừa đi viếng đám ma chú hàng xóm bị chết do ung thư dạ dày”… Suốt mấy tháng nay, tôi thường xuyên nghe được tin có người quen chết vì ung thư không rõ nguyên nhân. Cộng thêm nỗi lo thực phẩm “bẩn” tràn lan, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Biết đâu một ngày nào đấy... vì những món ăn thường ngày trên mâm cơm, bệnh ung thư sẽ bất ngờ đến hỏi thăm mình?

Từ khi xuống Hà Nội học rồi ở lai đến nay đã được 15 năm, cuộc sống của tôi ổn, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Với mức thu nhập của hai vợ chồng khoảng 40 triệu đồng/tháng, gia đình tôi không mấy khi phải băn khoăn về các khoản sinh hoạt phí, rồi chuyện bớt một thêm hai để tiết kiệm.

Song, mấy tháng gần đây, ngày nào tôi cũng đau đầu suy nghĩ, thậm chí đêm còn mất ngủ bởi trong đầu lúc nào cũng loanh quanh chuyện hôm nay ăn gì, mua thực phẩm ở đâu cho an toàn, tránh nguy cơ độc hại. Bởi, dạo gần đây, cứ thỉnh thoảng tôi lại nhận được điện thoại của bố mẹ ở quê gọi ra thông báo “bạn học của bố vừa mất hôm kia vì ung thư gan” rồi “cả nhà vừa đi viếng đám ma chú hàng xóm bị chết do ung thư dạ dày”… Liệu có nguyên nhân nào xuất phát từ những loại rau củ, thịt thà tươi rói ngon mắt ngoài kia đang ẩn chứa đầy các nguy cơ nhiễm độc?

Các bà nội trợ đau đầu với câu chuyện chọn thực phẩm an toàn trong thời thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay


Vậy là, nỗi lo thực phẩm bẩn theo tôi từ sáng sớm khi mới bước chân ra cửa cho đến tối khuya. Đến công ty, trong đầu tôi vẫn không thôi đặt ra câu hỏi, ăn cá hay ăn thịt, ăn bò hay ăn gà để tránh nguy cơ dính hàng nhiễm độc. Đến nỗi, ngồi điểm lại những món ăn ít nguy cơ nhiễm độc nhất…để mua ăn nhưng kết quả chỉ là sự thở dài bởi không có ai đảm bảo cho những bà nội trợ về điều đó.

Cứ ngỡ nỗi lo của tôi cũng là tâm sự chung của nhiều người, song không ngờ ai cũng gạt đi, nói tôi lo xa. Có chị còn bảo thẳng, nhà chị ăn cơm hàng cháo chợ suốt 2 năm nay, cả hai vợ chồng vẫn khỏe như vâm,chưa hề có dấu hiệu bất thường. Người khác lại tặc lưỡi rồi đùa vui: “Cứ ăn đi, chết trẻ khỏe ma, đằng nào chẳng chết. Trời gọi ai thì người nấy dạ, hơi đâu mà nghĩ ngắn nghĩ dài”.

Nhưng dù bị đồng nghiệp cười chê như “bà già lẩm cẩm”, tôi vẫn không thể gạt đi suy nghĩ của mình. Đời tôi có thể chưa lo, nhưng đời con, đời cháu chúng sẽ sống sao khi thực phẩm bẩn cứ tràn lan?

Tôi nhẩm tính, trung bình một ngày, tôi nấu hai bữa cơm, tính ra khoảng 7-8 món bao gồm cả cơm trắng. Trong những món này, tôi thấy món nào cũng có nguy cơ dính độc và thực tế đã không ít lần cơ quan chức năng phát hiện độc chất, hay các cách thức bảo quản chế biến gây độc của các loại thực phẩm này.

Nhiều người sợ những món ăn mà gia đình ăn hàng ngày đều có nguy cơ bị "tẩm" các chất độc hại trong quá trình chăn nuôi và trồng trọt


Mới hôm cuối tuần, bữa trưa nhà tôi có các món: cơm, thịt ba chỉ rang cháy cạnh, rau muống luộc, đậu phụ sốt cà chua… thì đã có không ít thông tin khiến tôi ám ảnh.

Lương thực chính: nồi cơm trắng bông, thơm lừng có thể là gạo Mỹ trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, nếu không cũng có chất chống ẩm, đánh bóng, tạo mùi hương.

Xoong thịt ba chỉ rang cháy cạnh làm chồng tôi ứa nước miếng, đánh bay 3 bát cơm, nhân tiện “bay” luôn cả chất kháng sinh, chất tăng trọng, tạo nạc có trong lợn. Chưa kể có thể tôi đã “nhỡ” mua thịt lợn ôi thiu được ngâm hóa chất để trông tươi ngon, hoặc lợn bị tiêm thuốc an thần.

Rau muống luộc xanh mướt mát khả năng đã được “tắm” trong thuốc trừ sâu, được tưới bằng dầu nhớt hay ngâm trong hóa chất để tươi lâu giống vụ rau muống chẻ ở TP HCM bị phát hiện ngâm hóa chất độc hại.

Còn đậu phụ sốt cà chua, “sốt” luôn cả thạch cao chứa trong đậu phụ đã nhiều lần bị phát hiện

Đó mới chỉ là bữa trưa, tối đến, tôi lại thêm một lần bất an bởi những món như:

Đĩa cá rán vàng rộm, mỡ màng nhưng không chắc có phải loại cá được ướp ure hay không, hoặc có khi bị tồn dư kháng sinh và chất cấm.

Nồi thịt gà rang gừng thơm lừng, cay xè hợp thời tiết lạnh giá có nguy cơ được “khuyến mại” thêm chất vàng ô, chất cấm, kháng sinh.

Bát canh măng mọc chua chua, ngọt ngọt cả nhà cùng thích ẩn nấp chất vàng ô độc hại, chất lưu huỳnh để xông măng.

Sầu riêng tráng miệng ai cũng mê liệu có bị thúc chín siêu tốc bằng thuốc...?

Với những món ăn ở trên, tôi mới điểm qua được những chất độc hại mà các cơ quan chức năng đã công bố. Còn đằng sau đó chúng có thể bị “tẩm” những chất độc hại gì nữa thì chỉ có người sản xuất và người bán mới có thể trả lời chính xác.

Ngồi vào mâm cơm, chưa kịp mời mọi người dùng bữa, đứa con trai lên 8 tuổi của tôi đã đọc vanh vách “vàng ô này, kích phọt này, thạch cao này, mẹ đã đọc báo chưa mà mua?” khiến hai vợ chồng nhìn nhau cười méo xệch. Song, biết ăn món nào cho an toàn bởi món khác cũng có nguy cơ độc hại chẳng kém!.

Lời khuyên mà các bà nội trợ như tôi thường nhận được là phải là 'người tiêu dùng thông minh' nhưng thông minh liệu có tránh được thực tế này khi cách đây không lâu, vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đó ông Cao Đức Phát đã từng thừa nhận “không phải riêng với thịt, với rau, gạo, hoa quả hiện nay cũng có vấn đề. Tôi cứ nghĩ đến cảnh chuối được ngâm ủ trong thùng hóa chất có thuốc trừ sâu mà lạnh cả xương sống”.

Tác giả bài viết: Nguyên An (Hoàng Mai, Hà Nội)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP