Kinh tế

Cao tốc Bắc - Nam: Lo vỡ nợ oan vì rủi ro chính sách

Nhà đầu tư lo vỡ nợ vì rủi ro chính sách; chuyên gia lo ngại suất đầu tư cao, cần tiến hành đấu giá để giảm chi phí là những nội dung được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến về đường cao tốc Bắc - Nam do báo Giao thông tổ chức ngày 25/10.


5432 ILRY
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Giám đốc Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI, nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cho hay: Lo ngại nhất của các nhà đầu tư chính là rủi ro về chính sách. Ông Tỉnh nêu trường hợp của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 39%, trong đó hỗ trợ trực tiếp bằng tiền là 23%, còn lại là hỗ trợ giải phóng mặt bằng. “Tuy nhiên, hiện VIDIFI không được đồng nào. Nếu cứ như vậy chúng tôi sẽ bị phá sản oan. Vì vậy, tôi không hiểu nhà đầu tư có làm được cao tốc Bắc - Nam không nếu cứ làm như hiện nay” - ông Tỉnh nói.

Ông này cho biết thêm, VIDIFI đã đàm phán với nhà đầu tư Ấn Độ để bán một phần dự án với số vốn lên tới 2 tỷ USD. Tuy nhiên, khi có thông tin chưa biết lúc nào có hỗ trợ giải phóng mặt bằng thì phía Ấn Độ dừng đàm phán. “Đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư có thể chấp nhận, nhưng mạo hiểm về chính sách thì sẽ không ai làm” - ông Tỉnh nói.

Tại tọa đàm, những lo ngại về chi phí thi công tăng cao nếu không tiến hành đấu thầu tiếp tục được ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô đưa ra. Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Cty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam (Chủ đầu tư các cao tốc lớn như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai...) cho hay, nhờ thực hiện một cách công khai, minh bạch thông qua đấu thầu quốc tế nên đã góp phần tiết giảm được 20% chi phí đầu tư.

Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia lo ngại về suất đầu tư cao tốc của Việt Nam cao. Thực tế, nhiều chuyên gia khác cho rằng, dù điều kiện Việt Nam còn chưa tốt nhưng đầu tư các hạng mục cao tốc quá hoàn chỉnh, ví dụ như: Ở các nước như Nga, Mỹ..., dải phân cách giữa của cao tốc chỉ là thảm cỏ rộng, không rào sắt, trồng hoa như ở nước ta, nền cao tốc cũng không đắp cao, làm nhiều cầu vượt dân sinh như cao tốc ở Việt Nam.

Tác giả bài viết: Sỹ Lực

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP