Trong nước

Cảnh sát giao thông đề xuất trang bị trực thăng cứu hộ trên cao tốc

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn đề xuất điều chỉnh giảm tốc độ xe trên cao tốc để đảm bảo an toàn.

Ngày 30/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý 1/2018, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Cục phó Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã nêu đề xuất trang bị máy bay trực thăng để cứu hộ giao thông trên đường cao tốc.

"Khi đường cao tốc ùn tắc đến 30 km thì việc cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn", ông Tuấn nói và cho hay, tình hình tai nạn giao thông thời gian qua vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trên địa bàn Hà Nội, trong ngày 18/3, xảy ra liên tiếp 2 vụ va chạm, 4 vụ tai nạn giao thông, gây ùn tắc nghiêm trọng, trong đó có vụ tai nạn giao thông giữa xe cứu hỏa với xe khách trên đường cao tốc.

"Trong giải quyết ùn tắc ngày hôm đó có hai trường hợp khẩn cấp. Một là cháu bé 3 tháng tuổi nguy kịch, chúng tôi phải dùng xe cảnh sát dẹp đường để đưa cháu đi cấp cứu kịp thời. Hai là một bệnh nhân phải thở ôxi nhưng bình gần hết, chúng tôi cũng phải dùng xe cảnh sát đưa đi", ông Tuấn nói.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị đưa trực thăng vào cứu hộ trên cao tốc. Ảnh: BĐ


Đề nghị xây đồn cảnh sát, trạm cấp cứu trên cao tốc

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị Chính phủ cho xây dựng các đồn, trại cảnh sát giao thông, trạm y tế, cấp cứu, trạm cứu hộ, cứu nạn... trên cao tốc; Tổng cục đường bộ và các địa phương nghiên cứu mở một số điểm dừng đón trả khách trên đường cao tốc, ví dụ như Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Lào Cai... để đáp ứng yêu cầu của người dân và tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

Theo Cục phó Cảnh sát giao thông, hiện trạm dừng nghỉ quá ít nên người dân đi tràn qua dải phân cách, rất nguy hiểm.

Lãnh đạo Cục cảnh sát giao thông cũng đề xuất điều chỉnh giảm tốc độ xe trên cao tốc để đảm bảo an toàn. Cụ thể, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ giảm tốc độ từ 100 km/h xuống 80 km/h, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình tốc độ tối đa nên là 100 km/h thay vì 120 km/h. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông nên phân làn đường cho từng loại xe để việc giám sát, xử lý của cảnh sát dễ dàng hơn; tránh tình trạng xung đột, lạng lách của xe khách lấn sang làn xe ôtô con.

"Sau này khi các tuyến đường cao tốc hoàn thiện thì tốc độ có thể nâng lên 120, 140, 160 km/h", ông Tuấn nói.

Rút kinh nghiệm từ vụ tai nạn giữa xe cứu hoả và xe khách vừa qua, Cục phó Cảnh sát giao thông đề nghị tại các điểm nút ra, vào trên đường cao tốc phải có biển báo hạn chế tốc độ để lái xe chủ động.

"Tại tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình nên đặt dải phân cách cứng giữa đường bằng bê tông như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và không nên trồng cây như hiện nay. Nếu trồng cây thì đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng cây ở tình thế rất nguy hiểm trên cao tốc. Ở nước ngoài hầu như họ không trồng cây", ông Tuấn nói.

Chiều 18/3, xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 12 cùng 7 chiến sĩ nhận nhiệm vụ lên đường cứu hộ hai nạn nhân bị mắc kẹt trên xe khách 16 chỗ. Rời trung tâm huyện Thường Tín, xe cứu hỏa chạy ra ngã ba nút giao gần trạm thu phí huyện, hú còi xin đường để chạy ngược chiều vào cao tốc. Đến 16h45, khi vừa chờm đầu chuyển sang làn cao tốc, xe cứu hỏa bị xe khách giường nằm đâm ngang hông trái. Cả hai xe hỏng nặng, nằm chắn ngang hai làn đường cao tốc.

6 chiến sĩ trên xe cứu hỏa phải nhập viện, trong đó 3 người bị thương nặng, một người tử vong. 5 người trên xe khách phải nhập viện, gồm cả lái và phụ xe.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP