Trong nước

Cần Thơ thu hồi gần 12 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng

Tham nhũng ngày càng tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Thậm chí còn xảy ra trong các lĩnh vực như chính sách, chế độ, lĩnh vực văn hóa, tâm linh… Một số người coi việc hối lộ cho công chức khi giải quyết công việc là ‘chuyện bình thường’…

Một góc thành phố Cần Thơ - Ảnh: VGP

Ngày 3/4, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (2010-2020).

Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm của thành phố cho biết, thanh tra các ngành, các cấp đã triển khai 2.336 cuộc thanh, kiểm tra. Qua đó đã kiến nghị nộp ngân sách nhà nước hơn 140 tỷ đồng, đã thu nộp gần 140 tỷ đồng, đạt 99,29%; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 137 tập thể và 193 cá nhân.

Đối với các vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra hai cấp đã khởi tố 34 vụ, 69 bị can với giá trị hơn 29 tỷ đồng. Viện KSND hai cấp đã truy tố 36 vụ, 73 bị can về hành vi tham nhũng với giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt gần 33 tỷ đồng, đã thu hồi được gần 12 tỷ đồng. TAND hai cấp xét xử 38 vụ, 77 bị cáo…

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

Theo đánh giá, tham nhũng ngày càng tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Thậm chí còn xảy ra trong các lĩnh vực như chính sách, chế độ đối với người có công, giảm nghèo, chính sách đối với dân tộc thiểu số, lĩnh vực văn hóa, tâm linh…

Một số cán bộ, công chức và người dân coi việc hối lộ cho công chức khi giải quyết công việc là chuyện bình thường. Tình trạng tham nhũng ‘vặt’ tuy thiệt hại không lớn, có khi chỉ vài trăm ngàn đến một, hai triệu đồng nhưng khiến cho người dân bức xúc.

Nguyên nhân chủ quan là do sự quản lý lỏng lẻo về tổ chức, công việc, con người, tạo kẽ hở để mầm mống tham nhũng, tiêu cực và các loại tội phạm xảy ra. Việc thực hiện công tác PCTN tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm túc, mang tính hình thức; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên...

Từ khi có Luật PCTN, công tác PCTN đã có những bước tiến quan trọng, các giải pháp PCTN được thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai minh bạch hoạt động trong bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công, công khai minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… đã có tác dụng tích cực, góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng.

Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, công tác tự kiểm tra, giám sát, phát hiện tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, sai phạm dẫn đến tình trạng đảng viên tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật…

Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh, PCTN, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa ở địa phương, đơn vị.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công tác cán bộ…

Tăng cường xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, bao che cho hành vi tham nhũng.

Công khai hóa việc quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng cán bộ, công chức cũng như việc xử lý, kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức khi vi phạm pháp luật…

Tác giả: Cảnh Kỳ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: thu hồi , tham nhũng , Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP