Mấy ngày nay, rất nhiều người đến gia đình ông Nguyễn Văn Hảo (SN 1961), trú tại xóm 4 Kẻ Giai, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), để hỏi mua gà Đông Tảo, nhưng đều phải thất vọng ra về, bởi gia đình ông Hảo không có gà để bán nữa.
Lý giải về điều đó, ông Hảo cho biết: “Phần lớn gà đã được mọi người đặt trước Tết khoảng 2 tháng, số gà còn lại gia đình để biếu chứ không bán. Thậm chí, chúng tôi cũng chỉ giữ một con để ăn mà thôi”.
Lý giải về điều đó, ông Hảo cho biết: “Phần lớn gà đã được mọi người đặt trước Tết khoảng 2 tháng, số gà còn lại gia đình để biếu chứ không bán. Thậm chí, chúng tôi cũng chỉ giữ một con để ăn mà thôi”.
Gà Đông Tảo đang trong tình trạng "cháy hàng"
Tết Nguyên Đán là dịp tiêu thụ thực phẩm, nhất là thịt gà. Đặc biệt, 2017 lại là năm Đinh Dậu nên khách hàng càng ưu tiên lựa chọn gà, để làm thực phẩm trong mâm cỗ và quà biếu.
Trong các loại gà, nhiều người chọn gà Đông Tảo, bởi chất lượng thịt thơm ngon. Thịt gà Đông Tảo có màu đỏ như thịt bò, nhưng không có gân, gà càng nhiều tuổi, da và thớ thịt càng dày. Bên cạnh đó, thịt gà Đông Tảo có tác dụng bồi bổ cho người ốm lâu ngày, hỗ trợ chữa một số bệnh như băng huyết, bổ âm cho tỳ vị…
Đôi chân gà Đông Tảo có đặc điểm là nhiều lớp vảy
Đặc điểm nổi bật nhất của gà Đông Tảo chính là đôi chân. Nhiều người quan niệm, đây là loại gia cầm có tướng cao quý, vì vậy thường mang đi biếu tặng. Cặp chân càng “đẹp mã”, to và cầu kỳ thì giá bán càng cao.
“Khách mua làm quà biếu thường chọn gà có đôi chân to, lông màu mật và bộ cánh thon thon. Bao quanh phía trước chân là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng lối (thường gọi là vảy rồng), phần còn lại da sùi giống bề mặt trái dâu tằm. Chân gà Đông Tảo ăn cũng rất ngọt và giòn”, ông Hảo cho biết.
Theo một số người dân địa phương, ngoài gia đình ông Hảo, xung quanh đây chưa có nhà nào nuôi được loại gà này vì nó rất khó chăm. Gia đình ông Hảo cũng phải mất nhiều thời gian và công sức mới được bầy gà như bây giờ.
“Thông thường, gà Đông Tảo từ lúc mới nở tới khi trưởng thành, mất khoảng 8 tháng đến hơn 1 năm. Mỗi con gà lúc này, có thể đạt cân nặng cao nhất lên tới hơn 6kg, gà trống lúc trưởng thành đạt trọng lượng từ 4 - 5kg/con, gà mái 3 - 4kg/con”, ông Hảo nói.
Tuy nhiên, gà Đông Tảo có những điểm yếu riêng nên việc tăng đàn thường chậm. Mặt khác, loại gà này đẻ trứng ít hơn gà ta và rất vụng về trong việc ấp nở. Nguyên nhân là do đôi chân quá to của loại gà này, khiến cho quá trình nở trứng khó khăn. Vì vậy, tỷ lệ ấp chỉ đạt từ 60 - 70%. Đây chính là lý do giống gà này khó phát triển rộng rãi.
Gà Đông Tảo thường được dùng để cúng tế, hội hè, hay tiến Vua. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam, hiện đang được bảo tồn nguồn gen.
Mào gà Đông Tảo cũng khác so với gà bình thường
Hiện, thịt gà Đông Tảo tại các nhà hàng được bán với giá từ 500 - 700 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi con gà trưởng thành giá trên 2 triệu đồng; trong khi giá bán tại chuồng là 300 – 400 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, vào thời điểm cận tết này, gà thịt có hình dáng đẹp đã lên giá từ 500 – 800 nghìn đồng/kg, mỗi con gà khoảng 5kg thì bán được giá 4 – 6 triệu đồng. Một cặp gà cảnh có giá khoảng 8 – 10 triệu đồng.
“Chúng tôi không mở trang trại vì nhà neo người, hơn nữa mỗi lứa chỉ nuôi khoảng 50 – 70 con. Giáp Tết, có nuôi hơn 100 con nhưng phần lớn khách đã đặt hết, giờ chẳng có bao nhiêu nữa”, ông Hảo nói.
Năm nay, việc bán gà Đông Tảo cũng giúp gia đình ông Hảo có thêm thu nhập, sắm sửa Tết sắp đến.
Tác giả bài viết: Anh Ngọc
Nguồn tin: