Du lịch

Cần siết chặt bảo vệ Vườn quốc gia Tam Đảo

Cột lửa trại nghi ngút cháy, tàn lửa bốc cao, đám thanh niên hồn nhiên vây quanh reo hò ầm ĩ. Cách đó chưa đầy 3m là hai chiếc ô tô 7 chỗ và 29 chỗ đang đậu và cách chưa đầy 5m là cánh rừng thông nguyên sinh. Ngoài ra, Vườn quốc gia Tam Đảo cũng đang từng ngày bị người dân lấn chiếm.

Tam Đảo là một địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng.


Đốt lửa trại ngay bìa rừng

Trong những năm gần đây, Tam Đảo trở thành điểm du lịch cuối tuần lý tưởng thu hút rất đông khách thập phương, đặc biệt là giới trẻ tới tham quan nghỉ dưỡng. Con đường từ chân núi lên Tam Đảo được đầu tư mở rộng giúp việc di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn. Bước sang tháng 5, sau khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống, lượng du khách tới Tam Đảo không ngừng gia tăng.

Theo phản ánh của người dân địa phương, vào dịp cuối tuần các đoàn nam thanh nữ tú tụ tập thành hội nhóm tới thuê khoảng đất trống phía sau Nhà khách Công Đoàn Tam Đảo tổ chức đốt lửa trại vui chơi thâu đêm. Những hình ảnh phản cảm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, thậm chí có thể gây ra cháy rừng vẫn thường xuyên diễn ra mà không hề có sự can thiệp, nhắc nhở hay đình chỉ của các cơ quan quản lý địa phương.

Lửa trại cháy nghi ngút bên ô tô và rừng quốc gia.

Ngay cạnh đống lửa là 2 chiếc xe ô tô 7 chỗ và 29 chỗ đậu đỗ, cách đó không xa là cánh rừng thông thuộc vườn quốc gia Tam Đảo. Các túi xăng và muối không ngừng được các thanh niên thi nhau ném vào đống lửa. Ngọn lửa cao chừng 3m, tàn lửa nổ rền bay tứ tung, làn khói vút cao quện vào sương mù từ rừng phủ xuống.Ghi nhận của phóng viên cho thấy, vào tối thứ 7 có khoảng hai ba chục thanh niên tổ chức đốt lửa trại trên khoảng đất trống phía sau Nhà khách Công Đoàn.

Ngọn lửa vươn cao, tiếng nhạc ầm ĩ mà không có ai nhắc nhở.

Việc vui chơi nhảy múa phản cảm thiếu văn hóa với tiếng nhạc ầm ĩ, sập sình, inh tai nhức óc suốt đêm gây ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng không nhỏ tới việc nghỉ ngơi tĩnh dưỡng của du khách, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Tam Đảo.Để có được đống lửa trại bề thế như vậy phải mất 2 người vất vả gom củi, xếp củi cả buổi chiều. Tuy nhiên, từ lúc xếp củi tới khi nhóm lửa, nhảy nhô, vui đùa ầm ĩ cho đến khi lửa tàn diễn ra cả mấy tiếng đồng hồ mà không hề có sự xuất hiện của chính quyền, công an hay kiểm lâm địa phương.

“Điếc không sợ súng”

Hành động đốt lửa trại ngay bìa rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, gây mất an toàn, an ninh trật tự tại khu du lịch vẫn thường xuyên xảy ra như cơm bữa. Thế nhưng hầu như không ai quan tâm hay đặt vấn đề về những hậu quả khôn lường có thể nảy sinh từ những đống lửa vô tâm. Việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn của vườn quốc gia Tam Đảo bị ngó lơ hay những người có liên quan “điếc không sợ súng” coi việc đốt lửa ngay bìa rừng là chuyện thường tình.

Ngoài ra trong nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm rừng, thay đổi hiện trạng rừng để trồng su su, thậm chí xây dựng các công trình kiên cố vẫn ngang nhiên xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa các hộ dân với vườn quốc gia Tam Đảo.

Tình trạng này ngày một diễn ra phức tạp, việc lấn rừng vẫn hàng ngày gặm nhấm vườn quốc gia, những giàn su su mọc lên dần thay thế cho rừng thông nguyên sinh. Điều đáng nói là việc lấn chiếm rừng xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không hề có bất cứ cuộc kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở hay xử phạt nào của cơ quan chức năng.

Rừng thông nguyên sinh đang dần được thay thế bằng su su.

Phóng viên đã tìm tới Trạm kiểm lâm Tam Đảo thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo vào lúc 15h30 chiều để tìm hiểu thông tin. Phía ngoài sân trạm, rất đông thanh niên tụ tập kèm theo hàng loạt mô-tô, xe máy đậu đỗ ngổn ngang, một chiếc ô tô 4 chỗ vô tư mở barie tiến vào sân trạm kiểm lâm để quay đầu mà không hề vấp phải sự kiểm soát của nhân viên trạm. Phía trong, mặc dù cửa trạm mở nhưng không hề có bất cứ nhân viên hay kiểm lâm viên nào xuất hiện đủ nói lên tinh thần làm việc của đội ngũ tiên phong trong việc gìn giữ bảo vệ rừng.Việc “lấn rừng” trồng su su tưởng như là việc nhỏ nhưng tác hại lại hết sức nặng nề. Nó có nguy cơ làm mất cân bằng hệ sinh thái rừng, làm thay đổi dòng chảy của khe, suối. Có lẽ vì thế mà trong thời gian qua dù chưa bước vào mùa mưa nhưng nhiều con đường tại thị trấn Tam Đảo bị sạt lở nặng nề, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, giảm mức thu hút du lịch, tốn kém trong việc quản lý sửa chữa…

Trạm Kiểm lâm Tam Đảo một buổi chiều “vắng chủ”.

Mặc dù luật đã có hiệu lực 15 năm nhưng dường như UBND thị trấn Tam Đảo và Hạt Kiểm Lâm VQG Tam Đảo không nắm rõ. Việc thờ ơ, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ kiểm lâm phải chăng đang vô tình tiếp tay cho việc phá rừng, tăng nguy cơ cháy rừng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Vườn Quốc Gia Tam Đảo.Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, điều 12 nêu rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm; điều 79 và 80 quy định rất rõ chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ Kiểm Lâm; điều 37, khoản 3 quy định rất rõ trách nhiệm bảo vệ rừng của UBND xã, phường, thị trấn.

Chúng tôi sẽ còn tiếp tục thông tin về sự việc./.



Tác giả: Phạm Thiên Nguyên

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP