Mark Zuckerberg sau buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: EPA. |
Điều trần sẽ làm tăng lòng tin
Liên quan đến vấn đề điều trần, trước đây một nhóm tác giả của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã có những nghiên cứu về điều trần tại các ủy ban của nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam. Đây là một cơ chế chính thức để các ủy ban của nghị viện có thể thu thập thông tin, nhằm tăng cường chất lượng của quá trình ra quyết định.
Vấn đề đưa ra điều trần có thể rất đa dạng. Một số nghị viện thế giới cho phép ủy ban theo đuổi bất cứ chủ đề nào mà ủy ban đang xem xét, đánh giá. Những người đến trình bày trong các phiên điều trần được gọi là nhân chứng, với nghĩa họ là người trực tiếp nắm thông tin, có thể làm chứng về các thông tin đó như bộ trưởng, chuyên gia, đặc biệt không thể thiếu nhóm công dân bình thường.
Như tại Mỹ, có hơn 100 ủy ban và tiểu ban hoạt động trong Quốc hội. Tất cả các ủy ban đều có quyền tổ chức điều trần, triệu tập các nhân chứng và công khai các cuộc điều trần. Chủ nhiệm các ủy ban có thẩm quyền quyết định việc tiến hành điều trần cũng như có quyền ra điều kiện cho việc lựa chọn nhân chứng và hình thức điều trần.
Theo nhóm nghiên cứu, một đặc tính then chốt của điều trần là hoạt động này được công bố công khai, thông qua việc công bố biên bản không chỉnh sửa về nội dung điều trần, công bố báo cáo, với sự tham gia của công chúng, sự tham dự của các kênh thông tin truyền thông. Tính chất công khai của các phiên điều trần làm tăng tính minh bạch trong hoạt động của nghị viện, như các ủy ban trong Quốc hội Mỹ, khi tổ chức các phiên điều trần không thể thiếu báo chí, phát thanh, truyền hình.
Như vậy, điều trần có thể làm tăng lòng tin của công chúng vào một quy trình làm việc minh bạch. Nếu được áp dụng có hiệu quả, hoạt động điều trần có thể mang lại lợi ích cho cả Quốc hội, Chính phủ và người dân.
Điều trần ở cả giám sát và lập pháp
Nhóm nghiên cứu cho rằng, trước những vấn đề nóng bỏng, bức xúc diễn ra trong đời sống, càng cho thấy yêu cầu bức thiết phải có một hệ thống ủy ban mạnh, chuyên nghiệp. Cử tri không khỏi thấy chạnh lòng trước tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” như câu chuyện về đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc, hay vấn đề cháy nổ, dịch bệnh…mà các đại biểu dân cử không có điều kiện để đến diễn đàn Quốc hội lên tiếng, vì lúc này chưa phải kỳ họp.
Một trong những giải pháp đã bắt đầu được thực hiện trong thời gian vừa qua ở một số ủy ban của Quốc hội là áp dụng thí điểm thủ tục điều trần. Những kết quả bước đầu cho thấy, việc áp dụng một số yếu tố mang tính chất điều trần trong phiên họp giải trình đã đưa lại những lợi ích nhất định đối với hoạt động của ủy ban.
Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ và những quy định pháp luật cụ thể nên việc triển khai thực hiện điều trần ở một số ủy ban của Quốc hội còn gặp những lúng túng nhất định. Hơn nữa, do có những quan điểm khác nhau nên khi triển khai thực hiện còn gặp nhiều cản trở từ cả phía các ủy ban của Quốc hội cũng như từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Một rào cản rất lớn là các bên vẫn coi điều trần là tìm kiếm lỗi lầm, quy trách nhiệm cho từng cá nhân, hoặc các cơ quan của Chính phủ. Quan niệm này tạo ra sự căng thẳng không đáng có.
Theo nhóm nghiên cứu, khuôn khổ pháp luật hiện tại ở Việt Nam cho phép tổ chức những hoạt động mang một số yếu tố điều trần tại các ủy ban của Quốc hội trong cả hai khâu lập pháp và giám sát. Để tiến hành điều trần theo đúng tính chất của nó, cần sửa đổi một số quy định pháp luật, đồng thời chính các ủy ban cũng cần định ra những thủ tục cụ thể hơn.
Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể về điều trần như áp dụng điều trần vào cả giám sát và lập pháp, quy trình, thủ tục tiến hành… Trong bối cảnh này, cần xây dựng một lộ trình để áp dụng điều trần tại Việt Nam.
Tác giả: THÀNH NAM
Nguồn tin: Báo Tiền phong