Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có bố cục gồm 3 điều. Nội dung sửa đổi tập trung vào các vấn đề về nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học, mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học; cho rằng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 29/NQ-TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI (NQ 29) đang ngày càng trở nên cấp thiết khi mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những đòi hỏi mới, phức tạp và biến động về cơ cấu, trình độ, chất lượng nhân lực ở các nước trên thế giới.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng cho rằng, việc phân chia hệ thống giáo dục đại học như trong dự thảo Luật chưa giải quyết và bao quát hết sự đa dạng và phức tạp của các mô hình trường đang tồn tại trong thực tiễn, đồng thời chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể để phân biệt giữa đại học quốc gia với đại học, giữa trường đại học với học viện.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng thống nhất hệ thống giáo dục đại học bao gồm các đại học và trường đại học; quy định đại học là tổ hợp các trường đại học (theo định nghĩa của Luật giáo dục đại học hiện hành); trong đó, Đại học Quốc gia được quy định trong Luật Giáo dục đại học là Đại học có nhiệm vụ chiến lược cấp quốc gia.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị, dự án Luật cần đề ra cơ chế cho phép các đơn vị thành viên của Đại học được sáp nhập hoặc chia tách khỏi đại học; giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế tổ chức, hoạt động của các đại học phù hợp với tính chất, yêu cầu và mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra...
Cần có sự phân định giữa trình độ đại học
Đa số ý kiến đề nghị cần xem xét có sự phân định giữa trình độ đại học 3-4 năm với trình độ đại học từ 5 năm trở lên theo hướng quy định người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư (học từ 5 năm trở lên)… được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ, phù hợp với quy định hiện nay trong khung trình độ quốc gia và cũng phù hợp với cách xử lý hiện nay trong giáo dục đại học trên thế giới.
Liên quan đến nội dung về học phí, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng tán thành việc cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức phí dịch vụ đào tạo. Đi đôi với cơ chế học phí này cần quy định cơ chế giám sát để kiểm soát việc thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục bậc cao khi tăng mức học phí cũng như bổ sung văn bản hướng dẫn chi tiết về giá và mức giá dịch vụ đào tạo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục bổ sung chỉnh sửa, hoàn thiện Tờ trình; bổ sung thêm bảng so sánh các quy định giữa Luật mới và Luật cũ; rà soát, đối chiếu với các nội dung quy định trong Luật này với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các luật khác có liên quan để đàm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát trong 4 nội dung tập trung sửa đổi đã đủ để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ đất nước chưa, có cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh hay không. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đến các nội dung quy định liên quan trực tiếp đến sinh viên và giảng viên đại học để từng bước hoàn thiện nội dung dự án luật.
Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến vấn đề việc quản lý tài sản trong giáo dục đại học; chức danh giảng dạy; việc huy động, thu hút giảng viên giỏi; chính sách cho các ngành nghề đặc thù…
Thay mặt Chính phủ tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng những ý kiến góp ý tại phiên họp hôm nay rất xác đáng, Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu và ngay sau phiên họp sẽ khẩn trương bổ sung các tài liệu để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trong thời gian sớm nhất.
Tác giả: Thu Thuỷ
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân