Sau 33 năm nắm quyền, ông Hun Sen không hề giấu ý định ở lại vị trí thủ tướng thêm 2 nhiệm kỳ 5 năm nữa. Lời hứa tranh cử của ông bao gồm duy trì mức tăng trưởng kinh tế mạnh để tiếp tục cải thiện hạ tầng, tăng lương và thêm phúc lợi cho công nhân may - ngành đem lại thu nhập lớn nhất cho Campuchia…
Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), người phát ngôn CPP Sok Eysan ước tính đảng mình sẽ nhận được ít nhất 51% số phiếu bầu (tương đương 63 ghế và chiếm thế đa số trong quốc hội). CPP đã lãnh đạo Campuchia từ năm 1979.
Các nhân viên bầu cử kiểm tra danh sách cử tri tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Phnom Penh ngày 28-7 Ảnh: REUTERS |
Dù khó có bất ngờ song cuộc bầu cử ngày 29-7 vẫn là dịp quan trọng để quyết định số phận của phe đối lập tại Campuchia. Sau khi đảng đối lập lớn nhất - Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) - bị tòa án tối cao giải thể vào tháng 11-2017 vì âm mưu lật đổ chính phủ, 19 đảng nhỏ hơn đang cạnh tranh để thu hút khối cử tri vốn ủng hộ CNRP nhằm vươn lên thành đảng đối lập chính.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, CPP giành 68/123 ghế quốc hội (55% số phiếu), CNRP giành 55 ghế còn lại. Đảng bảo hoàng Funcipec chỉ có 3,6% số phiếu, còn Đảng Liên đoàn Dân chủ (LDP) vỏn vẹn 1%.
Không còn đảng nào khác ngoài CPP và CNRP thắng ghế quốc hội. Năm nay, Đảng Cơ sở Dân chủ (GDP) kỳ vọng có được 42 ghế. "Chúng tôi khó thắng lần này nhưng có thể có cơ hội vào năm 2023" - một thành viên GDP bày tỏ.
Tác giả: Hải Ngọc
Nguồn tin: Báo Người lao động