Tốt nghiệp Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Thị Lê Na trải qua nhiều công việc như nhiều bạn trẻ cùng trường đó là viết báo, rồi truyền thông. Đang ổn định công việc với mức lương khá ở Cty Honda Việt Nam, đến một ngày, cô gái quyết định đột ngột xin nghỉ việc và về lập Cty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ tại quê hương Nghệ An.
Lê Na kể: “Khi đó tôi chứng kiến một biến cố lớn khi tận mắt nhìn thấy vườn cam của bố mẹ không bán được phải đổ đi hàng tấn; trong khi đó bên ngoài, người dân vẫn phải mua những hoa quả kém chất lượng. Khi tôi xin nghỉ việc cả gia đình đều bất ngờ nhưng không ai phản đối. Thậm chí, nghe chia sẻ ý tưởng ông xã còn nhất trí đi vay tiền cho tôi mở công ty”.
Tại Hà Nội, việc đầu tiên Lê Na làm là mở cửa hàng thực phẩm sạch kết hợp bán cam để tiêu thụ hàng của gia đình. Quá trình bán hàng cũng bầm dập khi tái diễn cảnh bị khách lừa mua cam không trả tiền, hay nhiều lúc sờ vào rồi ỷ ôi chê đắt trả rẻ... Những va vấp mỗi ngày khiến cô gái cứ tích luỹ dần những bài học: Cứ dàn trải vào nhiều mặt hàng và không quản lý được sẽ thành gánh nặng và tiền bạc cũng đội nón ra đi.
Chấp nhận rời xa chồng ở Hà Nội, cô chủ cửa hàng cam bất đắc dĩ đem con nhỏ quay trở về quê (Quỳ Hợp, Nghệ An) và quyết định bắt đầu từ gốc - đó là học cách trồng cam. Từ chỗ không hiểu gì về cam, không biết bón phân gì, tưới cây thế nào, Lê Na quyết mày mò tra cứu mạng internet. Tài liệu trong nước không đủ, cô tìm thêm tài liệu nước ngoài. Với châm ngôn “khác biệt hay là chết”, “khi ta thực sự muốn làm điều gì, cả thế giới hợp lại giúp ta”, Lê Na lao vào ngày đêm đọc sách, nghiên cứu. “Kết hợp giữa kiến thức và thực tế, tôi nhanh chóng hiểu được quy trình làm ra cam an toàn. Tôi luôn tâm niệm, muốn bán cam tốt trước hết phải am hiểu rõ nhất về nó”, Lê Na nói.
Cam Vinh ra khỏi biên giới Việt Nam
Để tạo ra sự khác biệt khi thương hiệu cam Vinh đã quá nổi tiếng trong vùng, Lê Na thử nghiệm trồng cam sạch theo kiểu Úc. Ngay cả bố mẹ cô là những nông dân lâu năm cũng nghi ngờ với kiểu trồng này. Những người dân trong vùng thậm chí còn buông lời “cay nghiệt” khi thấy cô trồng cam kiểu khác người.
Những ngày cuối năm, vườn cam của Lê Na tấp nập đón đoàn khảo sát từ Nhật Bản. Cô vui mừng khoe với tôi: “Đoàn cán bộ tổ chức JICA và doanh nghiệp Nhật Bản đến nhà vườn rất khen chất lượng cam tươi cho đến sản phẩm chế biến từ cam. Tôi rất vui vì Nhật được biết đến là một đất nước với các sản phẩm từ nông nghiệp luôn đạt chuẩn cao và không dùng hoá chất. Tôi mong rằng sau chuyến thăm này, Cam Vinh Kỳ Yến và các sản phẩm chế biến từ cam như: mứt, tinh dầu… sẽ có mặt tại một đất nước khó tính như Nhật”.
Cầm trên tay sản phẩm tinh dầu cam, mứt cam, tôi rất ngạc nhiên bởi mẫu mã đẹp không khác gì sản phẩm chế biến từ các thương hiệu nước ngoài. Lê Na chia sẻ, việc tạo ra dòng sản phẩm này cũng xuất phát từ lý do rất buồn cười: Vì cô tiếc những quả cam có mẫu mã không đẹp và lỗi về bề mặt như: rám nhưng chất lượng cam vẫn đảm bảo. “Cam loại 1 luôn bán được giá hơn cam loại 2 và mình không muốn người nông dân chịu thiệt vì cam loại 2 cũng đều đảm bảo chất lượng. Mục tiêu của mình là để nông dân không còn phải bận tâm lo đầu ra cho cam loại 2 mà chỉ chuyên tâm trồng cam sao cho đúng tiêu chuẩn. Mình muốn mọi người nhìn cam không chỉ là nông sản nữa mà còn là một sản phẩm cao cấp trong bữa ăn hằng ngày nên đã tạo ra dòng sản phẩm chế biến”, Na cho hay.
Dòng sản phẩm chế biến này vào giữa năm 2016 đã tham gia hội chợ triển lãm tại Nga. Lê Na tự hào nói: “Gian hàng công ty được bố trí ngay trung tâm triển lãm. Khách Nga ăn thử và lựa chọn mứt cam rất nhiều. Bản thân công ty sang triển lãm chỉ để giới thiệu sản phẩm nhưng chưa hết triển lãm mứt cam, tinh dầu cam đã bán hết”.
Đi trên con đường do mình tự tạo
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, Lê Na tự nhận chưa thành công rực rỡ nhưng con đường cô đi đang phát triển tốt theo những gì mà mình đề ra. Không phải tự nhiên, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến và tin tưởng mua, quá trình này Lê Na phải lăn lộn nhiều nơi. Cô tham gia mọi khóa huấn luyện về trồng cam từ Sở Công Thương tỉnh cho đến các tổ chức phi chính phủ khác. Những khóa học này không chỉ mang lại cho cô kinh nghiệm mà còn đem đến nhiều mối quan hệ với những người có tầm ảnh hưởng cao.
Hơn 2 tiếng đồng hồ trò chuyện cùng phóng viên, Lê Na luôn khiêm tốn cho rằng mình chưa làm được gì nhiều, nhưng mới đây khi cô kêu gọi đầu tư mở rộng quy mô trồng cam trên mạng xã hội, lập tức có hàng trăm người xin hợp tác. “Tôi cũng bất ngờ vì có nhiều người không hề quen biết, cũng không kết bạn trên Facebook nhưng xin được góp vốn đầu tư. Tôi rất vui vì trên con đường khởi nghiệp đang đi có nhiều bạn trẻ cùng quyết tâm, chí hướng theo tới cùng”, Na nói.
Chia tay cô gái bé nhỏ người Nghệ An trong tôi vẫn vương vấn mãi đôi mắt lấp lánh đầy kiêu hãnh về những dự định ấp ủ đưa sản phẩm sang châu Âu của cô.
“Bản thân mình phải là người làm tốt ngay từ đầu mới tạo lòng tin của người tiêu dùng. Khi mình làm tốt, làm chuẩn, chính mình lại là một hình tượng, là mô hình mà các cơ quan chức năng muốn quảng bá cho hình ảnh quê hương. Lê Na chiêm nghiệm |
Cty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ có 30 cửa hàng bán cam và sản phẩm từ cam ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Vinh... Công ty có gần 50 hecta trồng cam sạch cùng công ty liên kết và các hộ nông dân. Sản lượng cam VietGap thu hoạch hơn 400 tấn/năm. |
Tác giả bài viết: Ngọc Mai
Nguồn tin: