Kinh tế

Cải tạo chung cư cũ: Dân không chịu đi vì nghi doanh nghiệp "trục lợi"

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cư dân không đồng ý ngay cả trong trường hợp nhà nguy hiểm vì họ không nhìn rõ giá trị chung cư cũ tại thời điểm đó, họ cứ hồ nghi là doanh nghiệp trục lợi, nên giải pháp là chúng ta cần minh bạch tài chính trong cải tạo chung cư cũ.

Hiện nay tại các đô thị trong cả nước có khoảng trên 2.500 nhà chung cư cũ.

2.500 chung cư cũ, 600 nhà hư hỏng nặng

Thảo luận về chủ đề cải tạo chung cư cũ tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất diễn ra chiều nay (15/11), ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cho biết, theo thống kê sơ bộ, hiện nay tại các đô thị trong cả nước có khoảng trên 2.500 nhà chung cư cũ (tương đương khoảng trên 3 triệu m2) được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 nghìn hộ dân sinh sống.

Trong đó Hà Nội có hơn 1.500 tòa, TPHCM có hơn 500 tòa, Hải Phòng có 205 tòa, các tỉnh như Phú Thọ hơn 20 tòa, Nghệ An hơn 20 tòa, Phú Thọ hơn 60 tòa, Thanh Hóa gần 20 tòa... Các nhà chung cư này chủ yếu được xây dựng đã lâu và hình thành từ nhiều hình thức: do Nhà nước đầu tư xây dựng từ trước những năm 1994 theo chính sách bao cấp về nhà ở, do tiếp quản từ chế độ cũ trong các thời kỳ...

Qua rà soát chưa đầy đủ, hiện có trên 600 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (chiếm khoảng 25% tổng số nhà chung cư cũ) cần phải kiểm định để có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại, chủ yếu tập trung tại một số địa phương như: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An...

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, chung cư cũ đều nằm ở vị trí đắc địa chính vì vậy nhiều doanh nghiệp mong muốn được tham gia và ngay cả người sống ở đấy cũng cho rằng đây là đất vàng nên việc cải tạo chung cư cũ càng khó khăn.

"Chủ yếu chung cư cũ xây từ trước những năm 90 nên chất lượng không tốt. Nhưng hơn 10 năm rồi kết quả vẫn còn hạn chế mặc dù chúng ta đã thay đổi nhiều chính sách, vậy lý do tại sao? Giải pháp nào đẩy nhanh tốc độ cải tạo chung cư cũ? Ai cầm trịch đẩy nhanh được tiến độ này?", ông đặt câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, công tác cải tạo chung cư cũ còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nguyên tắc cải tạo chung cư cũ là tự cân đối tài chính, phải hài hòa được lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn đang vướng khung quy hoạch, do đó phải tháo gỡ quy hoạch cũng như số lượng dân số đã phê duyệt. Thẩm quyền này thuộc về Chính phủ.

Ông Dũng cũng cho biết, hiện quy định đã nêu rõ chính quyền thành phố phải "cầm trịch" cải tạo chung cư cũ. Hà Nội cũng đã hết sức nỗ lực, kêu gọi nhà đầu tư thực hiện quy hoạch, từ đó kiến nghị Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo dự án có tính khả thi và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Câu chuyện vẫn là "hồ nghi về lợi ích"

Thông tin thêm về tình trạng cải tạo những chung cư cũ cấp độ D, ông Dũng cho hay, dù chính quyền đã ra quyết định cưỡng chế di dời, giao cấp quận phường tổ chức việc thực hiện di dời, song vẫn vấp phải sự không đồng thuận của người dân.

"Nhà nước đã tạo điều kiện hết sức có thể đó là bố trí quỹ nhà tạm cư cho người dân, là những chung cư rất đẹp, ở vị trí tốt, ngay cạnh khu ngày xưa xây dựng cho các nhà lão thành cách mạng, hạ tầng tốt. Thế nhưng cứ đến tuyên truyền với người dân thì người dân lại không hợp tác. Bao năm nay mới chỉ có 50 gia đình đồng ý di chuyển, sắp tới có 40 gia đình nữa sẽ di chuyển trên tổng 150 gia đình, trong 3 năm", ông nói.

Ông Dũng cho rằng, do người dân không tin kết quả kiểm định mà cơ quan chức năng đưa ra và không đồng thuận để rời đi. Sau một quá trình tuyên truyền thuyết phục, cũng như chứng kiến những vụ sập nhà trên các phương tiện truyền thông mới đồng thuận. Do đó, sự thấu hiểu, hợp tác của người dân là vô cùng quan trọng.

Nói về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Câu chuyện nằm ở chỗ đây là "tồn tại lịch sử". Câu chuyện sẽ đơn giản nếu như vị trí đất này không tạo ra sự hấp dẫn. Nhưng thực tế là, tiềm năng có thể sinh lợi ở các khu vực này rất lớn, người dân, nhà đầu tư và cả chính quyền đều nghĩ nó sẽ phát triển hơn nếu cải tạo".

"Hiện nay, chúng ta đã đưa ra chủ trương cải tạo cả khu vực là rất đúng. Tuy nhiên, không bao giờ có chuyện đồng thuận 100%. Tôi rất ủng hộ nghị định 71 ngày xưa, những trường hợp không đồng thuận thì nhà nước sẽ bồi thường rồi thu hồi theo quy định", ông Võ đề xuất.

Về cơ chế bồi thường, vị chuyên gia cho rằng, cư dân không đồng ý trong trường hợp nhà nguy hiểm vì họ không nhìn rõ giá trị chung cư cũ tại thời điểm đó, họ cứ hồ nghi là doanh nghiệp trục lợi, nên giải pháp là chúng ta cần minh bạch tài chính trong cải tạo chung cư cũ, ví dụ trả lời các câu hỏi như cư dân được hưởng bao nhiêu, người dân được hưởng thế nào, nhà nước được hưởng ra sao.

"Tôi cho rằng câu chuyện vẫn là hồ nghi về lợi ích. Đó là bất lợi nhất. Hai bên phải tin nhau, cộng đồng phải tin nhau", ông nhấn mạnh.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP