Kinh tế

Cách làm mới trong sản xuất vụ đông ở An Hòa (Quỳnh Lưu)

Trong khi ở các địa phương khác không còn mấy mặn mà với sản xuất vụ đông thì ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, người dân lại coi vụ đông là vụ sản xuất chính, mang lại giá trị kinh tế cao. Bởi cùng với sự cần cù, chịu khó của bà con nông dân thì chính quyền địa phương cũng đã có những cách làm mới sáng tạo nhằm khuyến khích, động viên nhân dân bám đồng bám ruộng, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm vụ đông.

Trên cánh đồng Chùa, cũng như các hộ dân khác, những ngày này bà Đậu Thị Phượng, xóm 4 Minh Tiến, xã An Hòa đang tích cực tỉa dắm lại diện tích ngô ngọt cho kịp thời vụ sản xuất. Bà Phượng cho biết: vụ đông năm nay ngoài 2 sào trồng khoai lang lấy thức ăn chăn nuôi bò, lợn thì gia đình bà còn trồng hơn 1 sào ngô ngọt. Chưa năm nào bà Phượng bỏ làm vụ đông vì theo bà sản xuất vụ đông rất có lợi, vừa cải tạo đất, hạn chế cỏ dại mọc gây khó khăn trong sản xuất lúa vụ đông xuân lại vừa có thêm thu nhập lúc nông nhàn. 3 năm trở lại đây, ngoài các cây trồng truyền thống như khoai lang, rau màu, bà Phượng còn trồng ngô ngọt để bán cho công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình. Trừ chi phí thì mỗi sào ngô ngọt cũng cho thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng. Bà Phượng cho biết thêm:“Gia đình tôi làm 1 sào ngô ngọt, hiệu quả năng suất cao, nếu mà chăm bón đầy đủ thì năng suất cao lắm. Phong trào sản xuất vụ đông nói chung dân đồng tình ai cũng làm. Ngô ngọt ni thì khỏe mống hơn ngày xưa làm ngô giống. Đầu ra thì công ty đúng như hợp đồng, đến ngày thu hoạch ban quản lý báo trước cho ngày thu hoạch để công ty đưa xe về thu hoạch xong là cân bán cả cây.”
Bà Đậu Thị Phượng ( An Hòa) đang tích cực tỉa dắm ngô ngọt cho kịp thời vụ.

Những năm gần đây, An Hòa được đánh giá là đơn vị điển hình trong sản xuất vụ đông của huyện Quỳnh Lưu. Riêng vụ đông năm nay, toàn xã An Hòa gieo trồng 135 ha các loại cây trồng, trong đó xã đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình mới hiệu quả. Ngoài các cây trồng truyền thống trước đây thì để động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất vụ đông, xã An Hòa đã trực tiếp liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để trồng thí điểm một số loại cây mới, cùng với đó là bao tiêu sản phẩm cho bà con yên tâm sản xuất.
Diện tích ngô ngọt của bà con An Hòa đã gieo được hơn chục ngày hiện đã ra lá xanh.

Ngoài ra, xã An Hòa còn có các cơ chế, chính sách hỗ trợ khác như phối hợp với chi cục phát triển nông thôn, trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, hỗ trợ 30% chi phí sản xuất đối với những hộ trồng ớt cay, hỗ trợ 30% giá giống với những diện tích vụ đông trồng trên đất hai lúa. Đặc biệt, xã còn trích kinh phí hơn 100 triệu đồng hỗ trợ 2 hợp tác xã nông nghiệp mua máy cày về làm đất cho bà con sản xuất vụ đông. Nhờ vậy mà đến nay 100% diện tích vụ đông của xã đã được khép kín với 30 ha ngô thương phẩm TH, 30 ha ngô ngọt, 17 ha ớt cay, 30 ha khoai lang và gần 20 ha rau màu các loại. Ông Lê Văn Quyết – phó chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết:“Năm 2016 là năm sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn nhưng với truyền thống sản xuất vụ đông của xã, xã cũng có nhiều cơ chế chính sách vận dụng để phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là với chi cục phát triển nông thôn tỉnh, trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật tập huấn, triển khai ứng dụng tiến bộ KHKT cho bà con, đặc biệt là phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên bà con thấy yên tâm về đầu ra.”

Nhờ tích cực chăm sóc nên diện tích khoai lang đã phát triển xanh tốt

Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của đảng ủy chính quyền địa phương, bà con An Hòa đã rất đồng tình, ủng hộ và hăng hái sản xuất vụ đông. Đây được xem là thắng lợi của xã, khẳng định hướng đi mới đúng đắn trong sản xuất vụ đông và là mô hình cần được nhân rộng ở các địa phương khác./.

Tác giả bài viết: Lê Nhung – Việt Hùng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP