|
Lễ giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch, được cử hành vào thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới.
Đây là một phong tục cực kỳ quan trọng vào ngày Tết cổ truyền của người Việt. Vào đêm giao thừa, các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà với mong muốn chia tay năm cũ, chào đón năm mới làm ăn yên ổn, mưa thuận gió hòa.
Ngoài ra, cúng giao thừa còn có ý nghĩa tưởng nhớ công đức của cha ông và mời gọi tổ tiên về nhà ăn Tết. Do đó, mâm cỗ cúng giao thừa yêu cầu phải thật chu đáo, cẩn thận.
Mỗi gia đình sẽ phải chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng giao thừa. Nếu như mâm cúng giao thừa ngoài trời được ví như buổi tiệc để tiễn các quan hành khiển và phán quan của năm cũ và chào đón vị thần mới; thì mâm cúng Giao thừa trong nhà thể hiện cho sự hiếu thảo biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, mời ông bà về sum họp cùng con cháu trong thời khắc linh thiêng đón chào năm mới.
Mâm cúng Giao thừa ngoài trời
Theo quan niệm dân gian, giao thừa được tổ chức để đón các vị Thiên binh (gồm 12 vị Hành khiển). Khi đi thị sát dưới hạ giới, vì rất vội nên các vị Thiên binh không kịp vào tận bên trong nhà được, do đó bàn cúng của các gia đình thường được đặt ở ngoài cửa chính. Mỗi năm sẽ có một vị Hành khiển cai quản hạ giới, sau 12 năm thì họ sẽ luân phiên trở lại. Khi hết một năm, vị Hành khiển cũ cai quản Hạ giới sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới cai quản hạ giới trong năm mới.
1. Năm Tý: Chu vương Hành khiển, Thiên ôn hành binh chi thần, Lý tào phán quan.
2. Năm Sửu: Triệu vương Hành khiển, Tam thập lục thương hành binh chi thần, Khúc tào phán quan.
3. Năm Dần: Ngụy vương Hành khiển, Mộc tinh hành binh chi thần, Tiêu tào phán quan.
4. Năm Mão: Trịnh vương Hành khiển, Thạch tinh hành binh chi thần, Liễu tào phán quan.
5. Năm Thìn: Sở vương Hành khiển, Hỏa tinh hành binh chi thần, Biểu tào phán quan.
6. Năm Tỵ: Ngô vương Hành khiển, Thiên hao hành binh chi thần, Hứa tào phán quan.
7. Năm Ngọ: Tần vương Hành khiển, Thiên mao hành binh chi thần, Ngọc tào phán quan.
8. Năm Mùi: Tống vương Hành khiển, Ngũ đạo hành binh chi thần, Lâm tào phán quan.
9. Năm Thân: Tề vương Hành khiển, Ngũ miếu hành binh chi thần, Tống tào phán quan.
10. Năm Dậu: Lỗ vương Hành khiển, Ngũ nhạc hành binh chi thần, Cự tào phán quan.
11. Năm Tuất: Việt vương Hành khiển, Thiên bá hành binh chi thần, Thành tào phán quan.
12. Năm Hợi: Lưu vương Hành khiển, Ngũ ôn hành binh chi thần, Nguyễn tào phán quan.
Trong thời khắc Giao thừa các vị quan sẽ tiến hành bàn giao cũng như tiếp nhận công việc rất nhanh chóng, khẩn trương nên các vị thần chỉ ăn uống qua loa, đón nhận tấm lòng của gia chủ.
Theo phong tục cổ truyền, mâm lễ cúng được sắp bày với lòng thành kính. Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến.
|
Lễ vật gồm: Chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch”
Với lễ cúng giao thừa ngoài trời, mâm lễ chỉ nên đặt ở hướng Bắc hoặc là hướng Đông tùy theo từng gia đình. Sở dĩ như vậy vì hướng Bắc là hướng để cúng Thượng Đế còn hướng Đông để cúng Thiên Tử là vua.
Về cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ cần chuẩn bị một chiếc bàn đủ lớn để bày mâm lễ. Ở mặt bàn sẽ được trải tấm vải vàng sang trọng. Dưới đất trải một miếng vải đỏ dài như thảm đỏ. Đặt mâm lễ cúng ở nơi sạch sẽ. Cách bày lễ cúng giao thừa ngoài trời đó là đặt trên mâm bát gạo để cắm hương, hai ngọn nến hoặc đèn ở hai bên.
Bên cạnh đó, gia chủ nên chuẩn bị trước văn khấn giao thừa cho buổi lễ được chỉnh chu. Bài khấn có nội dung tạ ơn phước lành của chư vị thần linh che chở cho toàn gia trong năm đã qua, cầu xin điềm lành trong năm mới đến.
Ngoài ra, theo phong tục, trong lễ cúng Giao thừa sẽ chuẩn bị muối và rượu. Muối này được dùng để rắc xung quanh nhà và rót rượu để trừ tịch, tức trừ tà ma.
Mâm cúng Giao thừa trong nhà
Việc cúng giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên gia đình mình, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, gặp nhiều điều tốt lành.
Trong mâm cổ cúng giao thừa trong nhà chúng ta cần chuẩn bị những món ăn trong ngày Tết được chế biến cẩn thận, trang nghiêm và sạch sẽ. Mâm cỗ sẽ được chia làm 2 phần mâm cỗ mặn, mâm cỗ ngọt và chay.
Ảnh minh họa. |
Phần cỗ mặn gồm bánh chưng, giò – chả, xôi gấc – xôi đậu xanh, thịt gà, canh măng, nem rán và những món mặn khác tùy vào mỗi gia đình.
Phần cỗ ngọt và chay thì bao gồm hương hoa, nến đèn là thứ không thể thiếu, ngoài ra còn có bánh kẹo tết, các loại bia nước ngọt và các loại mứt tết.
Khi cúng Giao thừa tất cả các thành viên trong gia đình phải có mặt đông đủ, đứng trang nghiêm trước bàn thờ, chắp tay và khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong năm mới được an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.
Sau khi cúng Giao thừa xong, các gia chủ cúng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà, thường được gọi là “Đệ nhất gia chi chủ”. Lễ vật cũng tương tự như cúng Giao thừa nghĩa là gồm trầu rượu, nước, đèn nhang, vàng bạc, hoa quả cùng các thực phẩm xôi gà, bánh, mứt,…
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Tác giả: Minh Hoa (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn