Giáo dục

Các trường có thể tuyển sinh 2 kỳ trong năm

Theo dự thảo phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 vừa được Bộ GD-ĐT công bố chiều 8/9, các trường ĐH có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong một năm.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2016. Ảnh: Lê Văn


Theo đó, Bộ GD cho rằng, công tác tuyển sinh năm 2016 vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục khắc phục như: tỷ lệ thí sinh ảo cao khiến các trường gặp khó khăn trong xác định điểm chuẩn; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh mới chỉ dựa vào năng lực đào tạo của trường, chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội; chưa làm tốt công tác dự báo thị trường lao động để định hướng tuyển sinh các ngành nghề…

Do đó, quy chế tuyển sinh 2016 cần tiếp tục điều chỉnh để đảm bảo phù hợp và hiệu quả hơn cho năm 2017.

Theo đó, quy chế tuyển sinh 2017 sẽ được hoàn thiện trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm của tổ chức tuyển sinh năm 2015 và 2016. Bên cạnh đó, quy chế cũng sẽ tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong khuôn khổ quy chế tuyển sinh để dảm bảo chất lượng đầu vào và đáp ứng tối đa nguyện vọng của this sinh, khắc phục tối đa tác động của thí sinh ảo đến công tác tuyển sinh các trường.

Ngoài quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT ban hành, các trường sẽ xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy chế và công bố công khai.

Bên cạnh đó, Bộ GD cũng quy định các trường có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm.

4 phương thức tuyển sinh

Về phương thức tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đưa ra 4 phương án để các trường lựa chọn:

Thứ nhất là phương án dựa vào kết quả của các bài thi THPT quốc gia. Đối với phương án này, các trường sẽ phải công bố tổ hợp các bài thi, môn thi của kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi đăng ký dự thi.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng và thí sinh đăng ký xét tuyển. Danh sách này sẽ được gửi tới các trường để tư vấn, hỗ tợ các trường lọc ảo.

Thứ hai, các trường sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.

Với phương thức này, Bộ GD yêu cầu các trường công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Thứ ba là phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT.

Thứ tư là phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Với phương thức này, các trường phải quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh đồng thời công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.

Tác giả bài viết: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP