Kinh tế

Các ông lớn nhà nước làm ăn lỗ lãi ra sao?

Ngày 15/12, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Hội nghị của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Tiền Phong


Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1,12 triệu tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021).

15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Một số tập đoàn, tổng công ty vượt mức kế hoạch chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 543.103 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 79.462 tỷ đồng (bằng 319% kế hoạch và 154% so với năm 2021). Tập đoàn xăng dầu Việt Nam có tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 270.000 tỷ đồng. Tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt 210.000 tỷ đồng (bằng 117% kế hoạch và 189% so với năm 2021) và nộp ngân sách ước đạt 11.000 tỷ đồng,...

Trong năm 2022, chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ đột biến (ước lỗ 31.000 tỷ đồng) do nguyên nhân khách quan.

Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư. Trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259 nghìn tỷ đồng.

Tác giả: Bạch Hiền (t/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP