Kinh tế

Các đại gia Việt trước khi xây dựng đế chế nghìn tỷ: Người làm kỹ sư cơ khí, người chăn trâu, đạp xích lô thuê

Trước khi xây dựng đế chế nghìn tỷ cùng uy tín doanh nghiệp, ít ai biết doanh nhân Việt từng có khởi đầu hết sức vất vả. Có người làm kỹ sư cơ khí, thậm chí có người phải đạp xích lô, kéo cày, xẻ đất.

Bầu Đức: 10 năm chăn trâu, kéo cày với ước mơ đỗ đại học

Ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Công việc hàng ngày của bầu Đức sau thời gian học là chăn trâu. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, ông chỉ có tâm nguyện duy nhất là học thật giỏi, đậu đại học để có một cái nghề thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn.

Năm 1982, ông vào TP.HCM thi đại học, nhưng cả 4 lần đi thi, bầu Đức đều không đạt kết quả như ý muốn. Không thành công trên con đường học vấn, bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp không qua trường học mà bằng "trường đời".

22 tuổi, không tiền, không nghề nghiệp nhưng nuôi khát vọng làm giàu, bầu Đức đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, tích góp kinh nghiệm và tìm lối đi riêng.

Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, ông mở phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà.

Ông tự tay làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, để xây dựng lên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay.

Nữ tướng REE Nguyễn Thị Mai Thanh: Lính quân y trở thành bà chủ Tập đoàn cơ điện lạnh

Là con gia đình có truyền thống quân đội, bà Nguyễn Thị Mai Thanh sớm gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968 khi mới chỉ 16 tuổi với hiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư Đoàn 9 chiến đấu khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982, bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư.

Năm 1985, bà Thanh được bổ nhiệm làm phó giám đốc, và trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (REE) sau đó 10 năm.

REE dưới sự dẫn dắt của bà đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá 200 triệu USD. Đây được biết đến là công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Là người dẫn đầu trong danh sách tỷ phú đô la của Việt Nam, Chủ tịch Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng từng đi lên từ hai bàn tay trắng.

Sau khi tốt nghiệp trường kinh tế địa chất tại Moscow vào năm 1992, ông Vượng đã đầu tư khoảng 10.000 USD và mở một nhà hàng tại Kharkov.

Đầu những năm 2000 khi việc làm ăn đang thuận lợi, ông Phạm Nhật Vượng đã quyết định bán lại doanh nghiệp của mình tại Kharkov và trở về Việt Nam lập nghiệp.

Năm 2001, ông thành lập Công ty Vincom, chuyên xây dựng các trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp. Sau đó, hai công ty trên được sáp nhập trở thành Tập đoàn Vingroup, tập trung hẳn nguồn lực đầu tư trong nước.

Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên được Forbes vinh danh vào năm 2013 với tổng tài sản lên tới 1,5 tỷ USD. Theo thống kê của Forbes, tính đến tháng 4/2020, tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã chạm mốc 5,6 tỷ USD, xếp vị trí 286 trong số những người giàu nhất hành tinh.

Đại gia nghìn tỷ đi lên từ nghề đạp xích lô

Người được nhắc tới là đại gia Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi là Đường "bia") vốn là một cựu binh xuất ngũ năm 1979.

Khi mới rời quân ngũ, ông vất vả mưu sinh bằng đủ thứ nghề, trong đó có đạp xích lô chở bia thuê cho hợp tác xã vận chuyển bia của công ty Bia Hà Nội.

Sau 10 năm làm công việc này, năm 1987, Nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế, ông Nguyễn Hữu Đường đã đứng ra thành lập tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình.

Năm 1993, ông thành lập công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình. Đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau công ty Bia Hà Nội.

Sau đó, vì phát hiện nhiều công ty nước ngoài bán malt (hạt đại mạch nảy mầm đã qua chế biến dùng để sản xuất bia) kém chất lượng vào Việt Nam, ông Đường quyết định đổ 250 tỷ đồng vào xây dựng nhà máy sản xuất malt đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2002.

Ngoài làm bia, làm malt, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường lấn sân vào lĩnh vực bất động sản, làm khách sạn nghỉ dưỡng. Đại gia Đường bia là ông chủ của nhiều chung cư cao cấp, dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Tác giả: Bạch Hiền (t/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP