Kinh tế

Các đại gia Việt đang quản lý công ty lớn cỡ nào?

Vingroup, Masan, Vietjet… là nhóm doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa và doanh thu thuộc nhóm lớn nhất thị trường hiện nay, góp phần tạo nên khối tài sản của các doanh nhân Việt.

Với quy mô nhân sự hiện nay ở mức 430 người, Vingroup hiện là doanh nghiệp có ít nhân viên nhưng lại có vốn hóa lớn nhất trên thị trường Việt Nam.

Hiện tại, thị trường đang định giá Vingroup lên tới 382.000 tỷ đồng, tương đương hơn 16,4 tỷ USD, mức vốn hóa cao hơn nhiều các tập đoàn, công ty khác như Vietcombank, Vinamilk, hay PV Gas…

Cơ ngơi của các doanh nhân Việt

Đến cuối quý II năm nay, Vingroup có vốn điều lệ đạt 33.459 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT, đang nắm trực tiếp 26,18%. Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (doanh nghiệp do ông Vượng làm chủ) cũng sở hữu 31,83% và là cổ đông lớn nhất tại Vingroup.

Thông qua Vingroup, ông Vượng còn đang có quyền lợi tại 2 doanh nghiệp khác cũng thuộc nhóm vốn hóa lớn trên thị trường hiện nay là Công ty CP Vinhomes (vốn hóa 297.000 tỷ đồng) và Công ty CP Vincom Retail (vốn hóa 74.500 tỷ đồng).

Tổng cộng, với 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình, ông Vượng đang quản lý hơn 750.000 tỷ đồng vốn hóa trên thị trường, tương đương hơn 17% tổng vốn hóa toàn thị trường chứng khoán (theo số liệu của Bộ Tài chính đến ngày 26/6, mức vốn hóa thị trường đạt 4,37 triệu tỷ đồng).

Trong năm 2018, Vinhomes cũng chính là doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao nhất thị trường, đạt 14.754 tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với năm 2017.

Các doanh nhân Việt đang quản lý hàng tỷ USD vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang nằm trong nhóm có vốn hóa cao nhất thị trường.

Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Masan của hai vị doanh nhân Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh hiện có vốn hóa gần 90.000 tỷ đồng, cao thứ 8 thị trường. Thông qua Công ty CP Masan và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương, 2 cổ đông lớn nhất tại đây, 2 doanh nhân này hiện sở hữu tới 44,48% vốn Tập đoàn Masan.

Ngoài ra, thông qua các công ty con, ông Quang hiện cũng sở hữu vốn và lợi ích tại Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (vốn hóa 52.000 tỷ đồng) và Công ty CP Tài nguyên Masan (vốn hóa 15.000 tỷ).

Tập đoàn Masan hiện còn là cổ đông lớn nhất sở hữu 15% vốn tại Techcombank (vốn hóa 82.300 tỷ), nơi ông Hồ Hùng Anh đang giữ vai trò Chủ tịch. Nhiều người thân trong gia đình ông Hùng Anh hiện cũng sở hữu vốn nhà băng này.

Gộp chung nhóm doanh nghiệp do hai vị doanh nhân này sở hữu hiện có số vốn hóa xấp xỉ 240.000 tỷ đồng, tương đương 5,5% vốn hóa toàn thị trường.

Đây cũng chính là 2 vị doanh nhân được Tạp chí Forbes xếp vào nhóm doanh nhân sở hữu trên 1 tỷ USD tài sản đầu năm nay. Trong đó, ông Hùng Anh sở hữu khoảng 1,7 tỷ USD, và ông Quang sở hữu 1,3 tỷ USD.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng nắm trong tay 2 doanh nghiệp với tổng vốn hóa thị trường khoảng 100.000 tỷ, gồm Công ty CP Hàng không Vietjet và HDBank.

Trong đó, Vietjet là hãng hàng không có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay, đạt 72.000 tỷ đồng, trong khi HDBank được thị trường định giá hơn 27.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp do bà Thảo quản lý nói trên còn chưa bao gồm các công ty lớn khác như Công ty CP Sovico, Địa ốc Phú Long do chưa niêm yết.

Nhiều doanh nhân khác cũng đang sở hữu doanh nghiệp vốn hóa hàng tỷ USD như Tập đoàn Hòa Phát (60.500 tỷ đồng) của ông Trần Đình Long; Tập đoàn bất động sản Novaland (58.000 tỷ đồng) của ông Bùi Thành Nhơn; Thế giới Di động (54.500 tỷ đồng) của ông Nguyễn Đức Tài…

Tương quan khu vực ra sao?

Có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Việt Nam, tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp của các doanh nhân Việt mở rộng được hoạt động ra ngoài lãnh thổ. Trong khi đó, thị trường Việt đang hiện diện nhiều doanh nghiệp của các doanh nhân tới từ nước ngoài.

Trong nhóm 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thị trường, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là doanh nghiệp thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.

Sabeco hiện có vốn hóa khoảng 166.000 tỷ đồng và là doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất Việt Nam. Ngoài Sabeco, ông Charoen còn đang sở hữu và có vốn góp nhiều hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như chuỗi siêu thị Metro; Công ty CP Sữa Việt Nam…

Trong khi đó, doanh nhân Dhanin Chearavanont (Thái Lan) với Tập đoàn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi C.P Group, cùng gia tộc Chirathivat (Thái Lan) với Central Group cũng đang có hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm tại thị trường Việt Nam.

Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Thực tế, so với doanh nghiệp cùng ngành của các doanh nhân khác tại Đông Nam Á, quy mô doanh nghiệp của Việt Nam cũng hạn chế hơn.

Tại Việt Nam, Vingroup là tập đoàn bất động sản lớn nhất, nhưng không phải số một tại Đông Nam Á. Đế chế bất động sản lớn nhất khu vực hiện nay là Far East Organization và Sino Group do anh em doanh nhân Robert & Philip Ng (Singapore) quản lý.

Riêng nhánh Sino Group (với 3 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong) đã có vốn hóa trên 2,1 triệu tỷ đồng. Bao gồm Sino Land Company Limited (79,21 tỷ HKD); Tsim Sha Tsui Properties Limited (47 tỷ HKD) và Sino Hotels Holdings (3,35 tỷ HKD).

Hay như lĩnh vực ngân hàng, Techcombank là ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn nhất đạt 82.000 tỷ đồng, nhưng kém tới 15 lần so với Bank Central Asia của anh em doanh nhân Robert Budi Hartono (anh) và Michael Hartono (em) người Indonesia. Nhà băng này hiện có vốn hóa lên tới 1,2 triệu tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán Indonesia.

Hiện tại, đây cũng là hai vị tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á với khối tài sản trên 35 tỷ USD.

Tại Malaysia, ngân hàng Public Bank thuộc quản lý của doanh nhân Teh Hong Piow (5,2 tỷ USD tài sản) cũng có vốn hóa hơn 415.000 tỷ đồng. Hong Leong Bank của doanh nhân Quek Leng Chan (9,2 tỷ USD tài sản) hiện cũng có vốn hóa xấp xỉ 190.000 tỷ trên sàn chứng khoán nước này.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Masan , Vietjet , Vingroup , đại gia Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP