Trong nước

Cá thể Cầy vằn đầu tiên được cứu hộ sau 14 năm

Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê (CPCP), một hoạt động phối kết hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) với Vườn quốc gia Cúc Phương, vừa làm việc với Trạm Kiểm lâm Xuân Lộc (Long Khánh, Đồng Nai) để cứu hộ thành công một cá thể Cầy vằn (Chrotogate owstoni).


Cá thể Cầy vằn đầu tiên được cứu hộ sau 14 năm tại CPCP/SVW

Đây là cá thể Cầy vằn đầu tiên được cứu hộ và chuyển đến Trung tâm kể từ năm 2002. Hiện tại, cá thể này đang được chăm sóc đặc biệt tại CPCP/ Save Vietnam’s Wildlife .

Cá thể Cầy vằn này được ông Lưu Quang Mật, một người dân địa phương tại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tình nguyện giao nộp vì mục đích cứu hộ. Trước đó, ông Mật đã liên lạc với Save Vietnam’s Wildlife qua đường dây nóng của trung tâm: 0978.331.441. Theo đó, vào năm 2014, ông Mật đã mua hai cá thể Cầy vằn từ một thợ săn tại TP Hồ Chí Minh để nuôi làm cảnh, mà không biết rằng đây là loài bị cấm săn bắt và buôn bán vì mục đích thương mại. Do quá yếu, một cá thể đã bị chết. Sau đó, ông đã quyết định giao nộp cá thể còn lại cho trung tâm cứu hộ.


Cán bộ CPCP/SVW và Kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Liên huyện Xuân Lộc – Long Khánh tiếp nhận cá thể Cầy vằn từ gia đình Ông Lưu Quang Mật.

Cầy vằn là một trong những loài cầy quý hiếm nhất ở Việt Nam, được xếp trong nhóm II B và được ưu tiên bảo vệ theo nghị định 32/2006/NĐ-CP. Để đảm bảo các cá thể Cầy vằn và các loài động vật hoang dã khác sau khi tịch thu sẽ được chuyển giao tới các trung tâm cứu hộ, Save Vietnam’s Wildlife đã thực hiện chiến dịch truyền thông Nâng cao Nhận thức Bảo tồn Cầy vằn vào cuối năm 2014.

Ông Trần Quang Phương, Quản lý Chương trình CPCP chia sẻ: “Hoạt động cứu hộ này đánh dấu thành công đầu tiên của chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn loài Cầy vằn của chúng tôi. Ngoài ra, chiến dịch còn chú trọng trong việc thúc đẩy các cơ quan thực thi pháp luật chuyển giao Cầy vằn tịch thu đến các trung tâm cứu hộ”.

Cũng theo ông Phương: “Cá thể Cầy vằn hiện đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Đây là sự đóng góp lớn trong Chương trình Sinh sản Bảo tồn loài Cầy vằn tại Trung tâm vốn được phát triển nhằm gia tăng đa dạng gen đối với quần thể Cầy vằn ngoài tự nhiên tại Việt Nam.”


Cá thể Cầy vằn tại khu vực kiểm dịch

Ông Nguyễn Hữu Hải, thuộc Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - Long Khánh cho biết: “Làm việc với CPCP/Save Vietnam’s Wildlife, chúng tôi hiểu rằng việc tái thả loài Cầy vằn về tự nhiên mà không qua kiểm dịch và giám sát có thể gây tổn hại cho quần thể động vật hoang dã. Chúng tôi đánh giá cao hành động của ông Mật và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với cộng đồng địa phương cũng như các trung tâm cứu hộ để thúc đẩy hoạt động cứu hộ nhiều hơn nữa trong tương lai”.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Save Vietnam’s Wildlife cung cấp thêm: “Cầy vằn có thể bị nhiễm virut cúm gia cầm H5N1. Rất nhiều cá thể Cầy vằn đã bị chết năm 2005 và 2008 do loại cúm này gây ra. Do vậy, chúng cần có thời gian kiểm tra và đánh giá sức khỏe cẩn thận tại khu kiểm dịch trước khi được tái thả về môi trường tự nhiên. Việc nuôi nhốt hoặc ăn thịt Cầy vằn tại các nhà hàng có nguy cơ lây nhiễm cúm và các loại bệnh ảnh hưởng tới súc khỏe của con người”.

Từ năm 1995, Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê/ Save Vietnam’s Wildlife là Trung tâm Cứu hộ duy nhất cứu hộ và cho sinh sản thành công loài Cầy vằn. Nếu bạn tịch thu hoặc nhìn thấy Cầy vằn, hãy liên lạc qua đường dây nóng 0978.331.441 để giúp loài động vật quý hiếm này có cơ hội sống sót.

Tác giả bài viết: Nguyễn Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP