"Một đời sân khấu" (diễn ra vào ngày 2-6 tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh) là liveshow đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của Hương Lan. Liveshow đánh dấu một chặng đường gắn bó với sân khấu, đền đáp tấm ân tình của khán giả quê nhà. Trong khi thế hệ nghệ sĩ đàn em đã tổ chức vô số liveshow lớn nhỏ thì đến tuổi này bà mới bắt tay thực hiện.
Hỏi thì bà lý giải: "Tôi ấp ủ lâu lắm rồi mà chưa có cơ hội, với lại tính mình quá cầu toàn. Mình hay theo dõi liveshow của người ta rồi học hỏi, xây dựng liveshow riêng cho mình. Nhưng đến khi chuẩn bị thực hiện thì chân đau phải giải phẫu nên hoãn. Năm nay hội đủ mọi yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", đó là kỷ niệm dịp bộ môn cải lương tròn 100 tuổi, tưởng nhớ đến cha tôi - nghệ sĩ cải lương Hữu Phước cũng như đánh dấu 57 năm cha dắt tôi vào sân khấu, truyền cho tôi niềm đam mê nghệ thuật. Sức khỏe hiện tại cũng ổn định nên tôi quyết tâm tổ chức liveshow".
Ca sĩ Hương Lan. |
Ở cái tuổi 62, giọng hát Hương Lan vẫn ngọt ngào, sâu lắng như thuở nào. Tiếng hát gợi cho người xa quê một miền ký ức ngọt ngào về mảnh đất sông nước Cửu Long chân chất, nghĩa tình. Hương Lan nổi tiếng với các ca khúc trữ tình hoặc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ như: "Em đi trên cỏ non", "Còn thương rau đắng mọc sau hè", "Chiếc áo bà ba", "Điệu buồn phương Nam", "Sa mưa giông", "Quê em mùa nước lũ"… Giọng buồn mà không lụy, nghe tha thiết, mênh mang như con nước phương Nam dưới đêm trăng.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, có cha là nghệ sĩ cải lương lừng danh Hữu Phước, cô bé Trần Thị Ngọc Ánh đã biết bập bẹ vọng cổ, cải lương khi mới lên 3. Được cha dìu dắt, năm lên 5 tuổi, cô bé đã diễn chung với cha và những nghệ sĩ gạo cội như Thanh Nga, Bảo Quốc... trong vở "Thiếu phụ Nam Xương" của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga.
Một lần khề khà chén tạc chén thù, ông bạn hỏi nghệ sĩ Hữu Phước: "Mày tính đặt nghệ danh cho con bé là gì?". Hữu Phước gãi đầu gãi tai: "Tao chưa nghĩ ra. Để từ từ tính". Ông bạn trợn mắt: "Từ từ tính sao được. Để tên thiệt của nó thì trùng với cô đào Ngọc Ánh, coi sao được. À, mà trong giới, mày khoái cô đào nào nhất?". Hữu Phước trả lời ngay tắp lự: "Thanh Hương và Út Bạch Lan". Ông bạn vỗ đùi cái bốp: "Vậy đặt cho con mày tên là Hương Lan đi, ghép từ chữ Hương của Thanh Hương và chữ Lan của Út Bạch Lan".
Không biết có phải nhờ cái lộc từ tên tuổi hai bậc tiền bối tài danh mà danh tiếng Hương Lan từ nhỏ đã nổi như cồn. Người ta gọi con bé mũm mĩm, đôi mắt trong veo to tròn lúc ấy là thần đồng. "Thần đồng" Hương Lan có mặt ở sân khấu nào là sân khấu đó cháy vé. Kỹ năng luyến láy, truyền cảm xúc vào từng câu vọng cổ của cô bé mê hoặc khán giả. Cô bé không chỉ có khả năng hát cải lương, cổ nhạc rất tốt mà còn "chơi" luôn tân nhạc.
Khả năng hát tân nhạc của Hương Lan được nhạc sĩ Trúc Phương, Châu Kỳ phát hiện và khuyến khích phát huy. Cha cô tạo mọi điều kiện cho con gái bước vào ngã rẽ đặc biệt này. Những ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương như "Bông cỏ may", "Tình thắm duyên quê" hay "Cố đô yêu dấu" của Châu Kỳ, "Ai ra xứ Huế" của Duy Khánh … do Hương Lan thể hiện đều được báo chí Sài Gòn bấy giờ hết lời khen ngợi. Bước vào tuổi thiếu nữ, đầu quân cho đoàn Kim Chung, Hương Lan cùng cha làm mưa làm gió trên sân khấu cải lương. Từ vọng cổ đến tân nhạc, loại hình nào cô đào Hương Lan cũng hát rất mùi.
Sang Pháp năm 1982 rồi chuyển qua Mỹ định cư, chật vật mưu sinh bằng đủ thứ nghề, Hương Lan trở lại với con đường ca hát. Giọng ca Hương Lan nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại với những bài tân nhạc trữ tình. Họ yêu mến bà khi giọng hát sâu lắng mà tha thiết ấy đưa họ về lại cố hương xa xôi, với bờ cỏ non ven đê, với con trâu già gặm cỏ, với đồng lúa ngát xanh....
Liveshow "Một đời sân khấu" sẽ tái hiện lại chặng đường ấy của Hương Lan khi đạo diễn Trần Vi Mỹ quyết định chia liveshow thành hai phần cổ nhạc và tân nhạc. Những nghệ sĩ đàn em thân thiết như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê… sẽ góp mặt. Ngày đầu chập chững đi diễn ở hải ngoại, Hoài Linh được Hương Lan hết lòng dìu dắt, nâng đỡ. Bà là người trang điểm cho Hoài Linh trong lần giả gái đầu tiên. Sau này về Việt Nam biểu diễn thành công, bà đốc thúc cậu em nhanh chóng hồi hương tái ngộ khán giả quê nhà. Có thể nói sự thành công của Hoài Linh hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của chị hai Hương Lan.
Hương Lan thuở nhỏ và cha - cố nghệ sĩ Hữu Phước trong một vở cải lương. |
Nhắc đến Hương Lan, người ta hay nhắc đến Chí Tâm- người bạn diễn và cũng là bạn đời một thuở của bà. Thập niên 70, Hương Lan - Chí Tâm là cặp đào kép cải lương khuấy đảo các sân khấu miền Nam với các vở "Hán đế biệt Chiêu Quân", "Cây sầu riêng trổ bông", "Nắng thu về ngõ trúc"... Họ ăn ý nhau trong từng ánh mắt, lời nói, câu hát, cử chỉ đến mức sau này Hương Lan phải thừa nhận: "Tôi không thể hát vọng cổ với một giọng nam nào hợp hơn Chí Tâm, và ngược lại cũng thế".
Nhưng đến khi sang Pháp định cư cùng gia đình, hôn nhân của họ rạn vỡ. Đường ai nấy đi vì sự bồng bột của tuổi trẻ? Vì kinh tế chật vật, vì chưa đủ thấu hiểu hay vì đường tình hết duyên? Bà không biết. Nhưng có một điều Hương Lan chắc rằng, họ vẫn là bạn tốt dẫu không còn đứng chung sân khấu với nhau.
Từ khi đường ai nấy đi, họ không còn song ca với nhau nữa. Liveshow lần này cũng vậy. Hương Lan không buồn, không giận Chí Tâm dù từ ngày chia tay, mọi lời mời diễn chung của bà đều bị chồng cũ từ chối. Bà hiểu ông muốn giữ gìn cho mái ấm riêng hiện tại của bà, của ông. Bà chỉ tiếc vì cặp song ca gắn bó với nhau hàng chục năm trong âm nhạc và để lại dấu ấn quá lớn trên sân khấu đã không thể tái ngộ khán giả.
Bây giờ, trong đôi mắt to tròn năm nào, niềm vui lấp lánh, an nhiên. Đi qua giông bão, số phận bù đắp cho bà người chồng thứ hai là kỹ sư cơ khí hàng không Đặng Quốc Toàn. Ông rất mực yêu thương vợ, hết lòng chăm sóc cho gia đình để Hương Lan yên tâm đi hát.
Lá rụng về cội. Dù bôn ba khắp muôn phương, chốn về bình yên nhất của bà vẫn là quê hương Việt Nam. Bao năm ở xứ người, dẫu gặt hái nhiều vinh quang nhưng nỗi nhớ quê hương trong bà không lúc nào nguôi. Cả đời đi hát, hình ảnh Hương Lan gắn bó với chiếc áo dài và áo bà ba. Khoác lên tà áo ấy, bà biết quê hương thân yêu đang ở bên mình. Cả đời đi hát, bà thích nhất bài "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của nhạc sĩ Bắc Sơn. Nghe thương về một miền quá vãng có quê nội bình yên. Hương Lan ước ao một lần về hát trên quê hương, về mà hít hà chén canh rau đắng năm nào.
Năm 1996, lần đầu trở lại Việt Nam sau bao chật vật, nỗi vui mừng không thể nói thành lời. Là người cầu toàn, nghiêm túc trong làm nghề nên dù đã về Việt Nam nhiều năm, được nhiều gameshow mời mọc làm giám khảo nhưng bà đều từ chối. Bà chỉ coi gameshow như một sân chơi chứ không phải nơi làm nghề nghiêm túc. Hương Lan muốn đem đến cho khán giả tác phẩm nghệ thuật chuẩn mực, đúng nghĩa. Ở đó, người nghệ sĩ rút ruột rút gan vào từng giai điệu, lời ca. Cũng vì tính cầu toàn, tỉ mỉ, nghiêm túc trong công việc nên khi đảm nhận một bài hát nào, bà cũng nghiên cứu rất kỹ cách hát. Có lẽ vì thế mà gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn yêu mến Hương Lan như người con, tin tưởng giao cho Hương Lan xử lý các nhạc phẩm của ông.
Và đương nhiên, những nhạc phẩm ấy không thể thiếu trong liveshow lần này. Nhìn liveshow hoành tráng đầu tiên trên quê nhà sắp thành hiện thực, bà vui đến trào nước mắt. Ơn cha, nghĩa tình khán giả kể sao cho siết. Để đêm liveshow ấy, bà chỉ biết mang đến những bài ca bất hủ mà tâm tình, mà "dốc ruột giãi bày" với công chúng.
Tác giả: Mai Quỳnh Nga
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân